Thiệt hại thứ cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Vụ việc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Bệnh viện Mắt TP.HCM được kết luận là gây thiệt hại cho nhiều người bệnh đã từng điều trị thủy tinh thể tại bệnh viện này, nhưng giờ lại dẫn đến những thiệt hại thứ cấp khác nữa.

Kể từ sau khi một loạt cán bộ lãnh đạo và quản lý của Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM dính quyết định khởi tố bị can trong vụ này thì BV lâm cảnh hết thủy tinh thể nhân tạo và thiếu thuốc. Thế là các ca mổ phaco thay thủy tinh thể ở BV này đều dừng lại. Nhiều bệnh nhân chờ không được đành phải chấp nhận tìm đến các BV khác và có khi phải chịu mức phí điều trị cao hơn rất nhiều lần. Nguyên nhân hóa ra lại cũng liên quan đến vụ đấu thầu.

Dường như không ai dám đụng vô vụ đấu thầu mua thiết bị, vật tư, thuốc cho BV. Thế là gói thầu mà những người cũ đang làm dở dang treo lửng lơ đó, còn người mới nhận trách nhiệm thì “nhờ Sở hỗ trợ”, mà Sở thì lại lắc đầu.

Người hay làm sai, thích làm sai, cố tình làm sai, sợ đã đành. Đằng này người chưa làm sai, không muốn làm sai cũng sợ nốt. Vì sợ nên không dám triển khai đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế cho BV, dù cơ chế tự chủ tài chính đã trao thẩm quyền. Thế là BV “đá quả bóng” lên Sở Y tế với đề nghị Sở hỗ trợ, còn Sở Y tế thì phản hồi kiểu “trả bóng lại” chứ chẳng dại hỗ trợ làm gì: “BV Mắt tự chủ thì phải tổ chức mua sắm chứ Sở Y tế không làm được”. Bóng lên, bóng xuống, bóng qua, bóng lại gì thì cuối cùng thiệt hại cứ là dân chịu, bệnh nhân chịu.

Nỗi sợ gì lạ quá! Nỗi sợ gì mà ai cũng sợ đến mức khó hiểu? Sợ kiểu con chim trúng tên sợ cành cong đã đành. Đằng này chim chưa trúng tên cũng lây nỗi sợ. Gặp cành không hề cong cũng sợ.

Lẽ nào nỗi sợ đấu thầu đã “biến chứng” thành căn bệnh tự ám ảnh đến nỗi BV và Sở Y tế đều bỏ mặc người bệnh đang cần sự giúp đỡ? Mà đến mức ngay cả những người chưa làm sai, không làm sai cũng sợ đấu thầu sai thì quản lý nhà nước cũng nên rà soát lại xem có điều gì đó trong luật lệ đấu thầu khi áp dụng cho ngành y tế còn chưa hợp lý, còn bất cập khiến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực và biến chứng thành căn bệnh “ai cũng sợ”.

Một cách rất nghiêm túc trong góc nhìn quản trị, là khi một tình trạng sai lỗi trở nên phổ biến khiến nhiều người vi phạm thì cũng không thể loại trừ khả năng có một “lỗi hệ thống” trong quản trị cần phải rà soát lại để chỉnh sửa.

Cái cảnh người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại “thứ cấp” tương tự như chuyện của BV Mắt TP.HCM trên thực tế là không hề hiếm. Nó đòi hỏi một cái nhìn thấu suốt nhiều chiều, chứ không chỉ là cái nhìn đổ lỗi lạnh lùng.

Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).