Những điều chỉnh từ cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên tục những ngày qua, hàng loạt văn bản đã được ban hành với nội dung liên quan các chính sách hỗ trợ dành cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết 126/CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/CP, đối tượng NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được bổ sung rõ hơn trong các trường hợp thuộc diện hỗ trợ một lần 1 triệu đồng, 1.855.000 đồng và 3.710.000 đồng. Nghị quyết 126 cũng đã bỏ điều kiện nợ xấu tín dụng trong quy định về chính sách cho vay trả lương ngừng việc...

Tối 13-10, BHXH Việt Nam đã có thông tin về việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ để giải quyết và chi trả hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp: NLĐ tham gia BHTN trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với NSDLĐ và tại thời điểm ngày 30-9-2021, NLĐ chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia BHTN của cơ quan BHXH nên vẫn được coi là đang tham gia BHTN và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các đối tượng này bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản... trong thời gian từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-9-2021 cũng như trước ngày 1-1-2020.

Trước đó, Báo Người Lao Động số ra ngày 5-10 có bài viết "Gói 30.000 tỉ đồng bỏ sót đối tượng?", đặt vấn đề rất nhiều NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19 có khả năng không được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP vì thời điểm quy định trong nghị quyết này về tham gia BHXH và diễn biến thực tế có những điểm chưa phù hợp. Sau khi báo đăng, các cơ quan hữu trách đã xem xét lại, kịp thời điều chỉnh và bổ sung đối tượng như đã nêu trên, bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ đúng nguyên tắc có đóng có hưởng.

Cũng từ thực tế cơ sở mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo điều chỉnh giờ làm thêm của NLĐ theo hướng bỏ giới hạn làm thêm tối đa 40 giờ/tháng, áp dụng tổng số giờ làm thêm tối đa 200 - 300 giờ/năm cho tất cả ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù như quy định hiện hành. Việc này xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo NLĐ nhằm có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sau nhiều tháng lao đao vì đại dịch và NSDLĐ muốn phục hồi sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Thời gian dự kiến điều chỉnh quy định về giờ làm thêm nêu trên được đề xuất có hiệu lực đến 31-12-2024.

Bao giờ các chính sách cũng xuất phát từ đời sống, đi vào đời sống và từ đời sống để điều chỉnh. Sự tiếp thu, sửa đổi và sự chủ động xây dựng chính sách, trình cấp thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành như vừa qua thể hiện sự cầu thị và tinh thần trách nhiệm. Càng gần gũi, sát với thực tế sinh động và phù hợp nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đối tượng thụ hưởng thì những chủ trương, chính sách càng tăng thêm giá trị và ý nghĩa. Từ đó cũng tạo ra động lực để tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Theo THÔNG ĐẠT (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.