Các doanh nghiệp và địa phương có 100 ngày chạy nước rút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
9 tháng đầu năm, có 85,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6%; nhưng số rút khỏi thị trường chiếm tới 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Sẽ có nhiều người cho rằng, vì dịch bệnh nên thị trường đông cứng, sản xuất bị đình trệ nên doanh nghiệp đóng cửa.
Đổ cho dịch thì dễ quá, nhưng tại sao không đặt lại câu hỏi, rằng doanh nghiệp sập tiệm một phần vì con “cô vít”, nhưng một phần do tác động từ những quy định cực đoan, máy móc của không ít địa phương, cơ quan chức năng.
Tại hội thảo về “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra ngày 1.10, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nêu ý kiến: “Lúc đóng lúc mở, lúc siết lúc buông, trên nói một đằng dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn, huyện bảo doanh nghiệp được vận hành bình thường, xã lại bảo người lao động ai ở đâu yên đó, ngăn sông cấm chợ vô lối làm khó cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chết oan vì điều đó”.
Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận “ngăn sông cấm chợ” đã gây ra những tổn thất không đáng có. Nhưng chúng ta còn 100 ngày ở phía trước để mở cuộc đua chạy về đích năm 2021 với những thành tích kinh tế cao nhất, bù đắp những thiệt hại mà chúng ta đã gặp phải.
Muốn chạy nhanh, chạy băng băng với tốc độ cao nhất thì phải phá bỏ hết những rào cản trên đường đi. Tất cả các quy định mà địa phương ban hành gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa thì phải dẹp ngay, hãy phòng chống dịch bệnh bằng tư duy khoa học, không phải bằng tư duy hành chính.
Mở cửa du lịch nhưng không cho người dân đã tiêm hai mũi vaccine tự do đi lại, các địa phương vẫn dựng barie không cho người “tỉnh bạn” vào “tỉnh nhà” thì mở cửa du lịch để đón ai? Cho nên phải cùng mở cửa, cùng làm đối tác của nhau, cha ông nói “buôn có bạn, bán có phường”. Không ai mở cửa hàng để bán cho chính mình.
Không cho máy bay, tàu lửa hoạt động trở lại thì đừng nói đến mở cửa nền kinh tế. Hàng không, vận tải đường bộ, đường sắt là một phần của hoạt động kinh tế, đồng thời hỗ trợ cho các lĩnh vực kinh tế khác hoạt động.
Từng địa phương cũng vậy, đã hết giãn cách theo Chỉ thị 16 thì để người dân tự do đi lại và chấp hành quy định 5K, ai vi phạm thì xử phạt, không thể “xử lý người ra đường không có lý do chính đáng”. Tư duy cảm tính này sẽ sinh ra lạm quyền đối với người thực thi công vụ, và tạo thêm khó khăn, áp lực lên đời sống người dân.
Người dân đủ điều kiện đi lại (kèm theo chấp hành nghiêm quy định phòng dịch) để buôn bán làm ăn là góp sức vào cuộc chạy đua 100 ngày của cả nước. 
LÊ THANH PHONG (LĐO)

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cac-doanh-nghiep-va-dia-phuong-co-100-ngay-chay-nuoc-rut-959424.ldo

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.