Xét tuyển đại học đợt 1-2021: Mừng và lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong số 11.231 thí sinh thuộc các trường ở Gia Lai đăng ký xét tuyển đại học năm 2021 có 1.182 thí sinh trúng tuyển theo phương thức tuyển thẳng (chiếm tỷ lệ 10,52%) và 6.706 thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển khác (chiếm 59,71%). Như vậy, toàn tỉnh có 7.888 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học đợt 1-2021, đạt tỷ lệ 70,23%. Dự báo tỷ lệ trúng tuyển sẽ tiếp tục được nâng cao khi các trường đại học xét tuyển bổ sung trong thời gian tới.
Mặc dù chưa đủ số liệu để so sánh với những năm trước và tỷ lệ trúng tuyển đại học của cả nước, song theo các nhà chuyên môn, tỷ lệ trúng tuyển đại học của Gia Lai trong đợt I là khá cao. Đặc biệt, ngay trong đợt 1, toàn tỉnh có 2 trường THPT đạt tỷ lệ trên 100% vì có thí sinh đậu cả 2 cách xét tuyển. Đáng chú ý, thủ khoa một số trường là học sinh Gia Lai, trong đó có trường ở vùng đặc biệt khó khăn. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến đầy phức tạp. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, kết quả này phù hợp với tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 (97,98%). Điều đó chứng tỏ việc đầu tư phát triển giáo dục phổ thông của tỉnh là đúng hướng, công tác tổ chức dạy-học của các trường đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó là sự quan tâm đầu tư của gia đình, nguồn lực hỗ trợ của xã hội và nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện của các em học sinh.
Những ngày qua, trên các trang Facebook cá nhân của học sinh lẫn phụ huynh tràn ngập tin vui về trúng tuyển đại học. Có thể nói, được bước vào cánh cổng trường đại học là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu trong hàng chục năm đèn sách của các em học sinh và sự dày công nuôi dạy từ “tam giác giáo dục”: nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, khi tiếp nhận giấy báo trúng tuyển đại học, bên cạnh niềm vui, không ít học sinh và phụ huynh tỏ ra băn khoăn, trăn trở vì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy, những năm qua, hàng chục ngàn sinh viên Gia Lai tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm phù hợp hoặc phải mưu sinh nơi xứ người. Trong khi đó, công cuộc xây dựng tỉnh nhà đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ lao động có tay nghề.
Thí sinh phấn khởi rời điểm thi sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Thí sinh phấn khởi rời điểm thi sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Làm sao để hàng chục ngàn sinh viên Gia Lai sau khi tốt nghiệp ra trường mỗi năm đều tìm được việc làm phù hợp trên chính mảnh đất quê hương? Đó là câu hỏi khó nhưng ngành GD-ĐT cũng như các ngành có liên quan cần tìm ra lời giải, chí ít cũng mở ra được hướng đi khả dĩ.
Liên quan đến vấn đề việc làm cho sinh viên đại học sau khi ra trường, tại một số diễn đàn về GD-ĐT, các chuyên gia đề cập khá nhiều đến công tác định hướng để học sinh chọn những ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và khả năng của bản thân. Để định hướng cho học sinh, tại Gia Lai, các cơ quan truyền thông cũng phối hợp tổ chức một số buổi tư vấn mùa thi. Tuy nhiên, quy mô và sức lan tỏa của hoạt động này vẫn còn rất hạn chế. Cá biệt có một số buổi tư vấn nghiêng hẳn sang nội dung quảng bá, tiếp thị cho cơ sở đào tạo. Trong khi đó, học sinh không được thông tin về xu hướng việc làm và nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là mối quan hệ giữa ngành nghề đào tạo và nhu cầu xã hội. Vì vậy, phần lớn học sinh chọn trường và ngành nghề đào tạo một cách cảm tính. Vô hình trung, câu chuyện đại học trở thành… học đại (!)
Cùng với tư vấn chọn trường đại học và ngành nghề đào tạo, công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh có ý nghĩa rất quan trọng. Theo kết quả khảo sát năm 2019 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hơn 80% học sinh, sinh viên nghề ra trường đều có việc làm với nguồn thu nhập ổn định. Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Gia Lai cũng có tỷ lệ học sinh, sinh viên nghề ra trường tìm được việc làm khá cao. Điều đó chứng tỏ xã hội và thị trường lao động ở Gia Lai đang rất cần “thợ” chứ không phải “thầy”. Vậy tại sao không định hướng, tuyên truyền, vận động các em lựa chọn các trường nghề thay vì cố chen chân vào các trường đại học với tương lai vô định?
Rõ ràng chúng ta không thể không phấn khởi trước tỷ lệ trúng tuyển đại học của tỉnh nhà. Song, bên cạnh đó là sự nối dài của những nỗi lo. Trước mắt là nỗi lo chi phí học tập ngày càng tăng cao, trong khi đó, một bộ phận không nhỏ các gia đình còn khó khăn, lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.