Mở nhưng chưa 'cởi'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người dân TP.HCM đang hết sức vui mừng, hồi hộp chờ đến ngày mai 1.10, ngày TP chính thức mở cửa kinh tế trở lại.

Sau 4 tháng giãn cách xã hội, sau nhiều ngày “ai ở đâu ở đó” phòng chống dịch, có rất nhiều hoạt động dang dở cần được tiếp tục, rất nhiều đứt gãy cần được nối lại. Thậm chí với nhiều người, niềm vui chỉ là hít thở bầu không khí “bình thường cũ” mà thôi.

Thực ra không chỉ người dân TP.HCM mà người dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng nóng lòng chờ đợi ngày này. Chúng ta đã chứng kiến suốt thời gian qua, rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, gạo... khắp nơi kêu cứu vì không tiêu thụ được do vận chuyển khó khăn, nhu cầu sụt giảm. Là thị trường lớn nhất cả nước, TP.HCM mở cửa trở lại sẽ giúp nông sản, thực phẩm của bà con có đầu ra. Người dân TP cũng sẽ được mua hàng hóa thiết yếu với giá hợp lý hơn. Chưa kể hàng ngàn, hàng vạn lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch cũng mong có thể trở lại TP sớm nhất khi doanh nghiệp của họ tái sản xuất. Thực ra ngay khi TP công bố lộ trình mở cửa, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp chính là vấn đề thiếu hụt lao động. Hay những người bất đắc dĩ kẹt lại, muốn trở về nhà... có thể thực hiện điều giản dị này. Nhưng nếu TP.HCM mở mà các tỉnh, thành khác không mở, thì tất cả những điều tưởng chừng tất yếu kia lại khó có thể thực hiện. Ví dụ TP.HCM kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất nhưng các tỉnh, thành khác chưa muốn tiếp nhận những chuyến bay nội địa thì mở chỉ cho có mà thôi. Tương tự, ngày mai TP mở cửa trở lại, nhưng rất nhiều người vẫn ngơ ngác không biết đi lại thế nào giữa các địa phương trong vùng. TP sẵn sàng đón, nhưng một số tỉnh có thể chưa sẵn sàng cho người đi. Rồi doanh nghiệp tái sản xuất nhưng vùng nguyên liệu lân cận chưa thông thì lấy gì để hoạt động?

Nói vậy để thấy, TP.HCM không thể mở cửa một mình, bởi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ thống sản xuất hay nói rộng hơn là hệ sinh thái kinh tế của TP không bó gọn trong địa giới hành chính mà là liên vùng, toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Biết bao nhiêu nhà máy, phân xưởng tại TP.HCM sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nông nghiệp từ các tỉnh miền Tây, vật liệu từ Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Vì vậy, muốn mở cửa kinh tế, phải nhanh chóng mở lại hệ thống giao thông vận tải, thậm chí phải mở trước cả các ngành nghề khác thì mới thực sự hiệu quả. Sự đứt gãy sản xuất, phân phối, chuỗi giá trị vừa rồi... cũng bắt đầu từ việc ngăn sông cấm chợ, khi các tỉnh bật đèn đỏ vì sợ lây lan dịch bệnh đó thôi.

Chúng ta đã có bài học xương máu về chuyện chống dịch mỗi nơi một kiểu, luồng xanh mỗi nơi một cách. Vì thế, TP.HCM cần ngồi lại với các tỉnh để bàn tính mở cửa thế nào cho phù hợp, thông suốt. Nếu vẫn còn một vài địa phương “bế quan tỏa cảng”, nói mở nhưng không cởi bỏ tâm lý sợ trách nhiệm, chưa thay đổi tư duy sống chung với dịch thì không chỉ TP.HCM khó mở mà nền kinh tế đang tổn thương sau thời gian giãn cách kéo dài cũng khó có thể phục hồi.

Theo Nguyên Khanh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).