FDI - Gìn giữ và thu hút mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo số liệu vừa được Bộ KH-ĐT công bố, tính đến ngày 20-9, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng lưu ý, sự xuất hiện của dự án tỷ USD, thứ 3 trong năm nay - tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display đã giúp xoay chuyển cục diện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 9 tháng qua. Hai dự án trước là Điện khí ở Long An (3,1 tỷ USD) và Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ (1,31 tỷ USD).

Tính theo đối tác, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD. Do có một dự án khủng 3,1 tỷ USD, nên vốn đầu tư từ đảo quốc Sư tử gấp 1,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp gần 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản (hai nước xếp thứ hai và thứ ba về quy mô vốn đăng ký vào Việt Nam). Trong khi vốn đăng ký tăng trở lại được coi là dấu hiệu tích cực, điều đáng quan tâm là vốn đầu tư nước ngoài giải ngân lại giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 13,28 tỷ USD.

Từ bản tin cập nhật mới nhất về “thời tiết FDI” này có thể thấy, mặc dù niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư trong trung hạn và dài hạn vẫn được khẳng định, mặc dù Việt Nam vẫn có khả năng đón được “đại bàng” song đại dịch Covid-19 thực sự đã có những tác động tiêu cực đến tình hình triển khai thực hiện vốn FDI. Chỉ cách đây vài hôm, trước khi những số liệu của kỳ thống kê tháng 9 được chốt lại, một bản kiến nghị vừa được 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham, đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực”, nhằm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.


Kiến nghị nêu, có ít nhất 20% số thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sang một quốc gia khác và một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, nhất là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác. Không chỉ thất thoát các dự án đầu tư hiện hữu, mà các nhà đầu tư tiềm năng dù đã để mắt tới Việt Nam đi nữa cũng sẽ không đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh và cách ly của người nước ngoài cùng với một lộ trình mở cửa rõ ràng, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái bình thường mới. Thật ra, ngay từ tháng 7 và tháng 8, khi công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia Bộ KH-ĐT cũng đã bày tỏ lo ngại tương tự.

May mắn là Việt Nam vẫn còn kịp có những động thái kịp thời. Cho đến nay chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam, chỉ có vài đơn hàng được tạm chuyển ra nước ngoài. Trong bối cảnh các nhà máy ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia… và Ấn Độ đều đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh, không dễ tìm được địa điểm sản xuất an toàn dài hạn mới. Nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bằng nhiều giải pháp, nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh của Chính phủ, chính quyền các địa phương trên cả nước là điều không thể phủ nhận.

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cải tiến công tác xúc tiến đầu tư theo hướng “đáp ứng những gì nhà đầu tư cần, chứ không chỉ giới thiệu những gì mình có” sẽ tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục giúp Việt Nam được “cộng điểm” trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng. Chỉ có như thế mới có thể lưu giữ và tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.