Để trẻ em nghèo không dở dang việc học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 2 năm cả nước vất vả với dịch Covid-19, việc dạy và học online đã trở thành câu chuyện bình thường. Đó không còn là giải pháp tạm thời nữa mà là câu chuyện thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đối với nhu cầu học tập và phát triển bình thường của học sinh, sinh viên. Ngoài gia đình và nhà trường, các em rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là khi cả nước có hàng triệu học sinh, sinh viên khó khăn.   

Giãn cách xã hội để chống dịch thì phải học online. Đó là chuyện bình thường trong điều kiện dịch bệnh. Nhưng chuyện học online sẽ không bình thường chút nào với những gia đình nghèo, đông con, không sắm được máy tính, điện thoại thông minh. Lại càng không thể thực hiện được khi nhiều vùng vẫn chưa có internet, không có wifi, không có sóng 3-4G khiến hệ thống học trực tuyến chập chờn, bị “treo” liên tục. Việc dạy và học trong những ngày đầu thực sự gặp nhiều khó khăn, ít hiệu quả. Nhiều tỉnh nghèo, vùng khó khăn có 50-70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều buôn làng không có mạng internet; học sinh thuộc diện F0, F1 còn nhiều, chưa kể số giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức dạy học ở một số địa phương.

Học sinh tiểu học tại TP. Pleiku làm quen với hệ thống học tập trực tuyến. Ảnh: Đỗ Hằng
Học sinh tiểu học tại TP. Pleiku làm quen với hệ thống học tập trực tuyến. Ảnh: Đỗ Hằng



Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động là sự phản ứng kịp thời, nhanh nhạy của lãnh đạo đất nước trước một câu chuyện rất thiết thực của sự nghiệp giáo dục. Yêu cầu đặt ra là có sóng, có internet đến tận gia đình; có máy tính cho học sinh nghèo; có giá cước phù hợp cho mạng internet. Với kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng, chương trình cần sự chung tay hưởng ứng của nhiều ngành, nhiều cấp, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước.

Có sóng, có máy tính, các em không chỉ được học tập tốt hơn trong điều kiện phải thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh mà còn là cơ hội để công nghệ thông tin đi vào cuộc sống; để các em giúp cha mẹ, ông bà mình biết được thế giới bao la bên ngoài, chỉ nhờ một cái nhấp chuột máy tính hay một cái chạm tay vào màn hình điện thoại thông minh; giúp nông dân biết cách mua bán hàng qua mạng, biết nhờ bác sĩ tư vấn sức khỏe từ xa; biết thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; biết nhận tiền, chuyển tiền mà không phải mất công đến tận ngân hàng…

Hiện cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó có trên 7,3 triệu học sinh thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, nhiều gia đình không thể và không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến. Để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động giáo dục, thể hiện tinh thần nhân ái, sẻ chia của toàn xã hội đối với lứa học sinh phải chịu thiệt thòi lớn trong thời dịch bệnh, chăm lo cho thế hệ tương lai, thể hiện một thái độ của cả nước quan tâm tới giáo dục, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Ngay trong đêm chương trình diễn ra, 1 triệu máy tính trị giá 2.500 tỷ đồng đã được cam kết tài trợ. Nhiều địa phương đã cam kết hỗ trợ hàng ngàn máy tính, điện thoại thông minh cho học sinh nghèo; những gói hỗ trợ miễn phí một số nền tảng dạy, học trực tuyến trị giá hàng trăm tỷ đồng đã được cam kết. Các tập đoàn viễn thông lớn cũng cam kết đến cuối năm sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Điều đó sẽ giúp thầy và trò không còn bị “treo” mỗi khi dạy và học online.  

Xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành Giáo dục. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung toàn lực cho công cuộc chống dịch; quan tâm lo lắng, hỗ trợ nhiều cho ngành Giáo dục. Nhưng những khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Một lời hiệu triệu là cả triệu người theo nếu đó là việc làm đúng và chạm đến trái tim mỗi người. Một chương trình đầy tính nhân văn như “Sóng và máy tính cho em” luôn cần được nhân rộng để mang lại cơ hội học tập cho hàng triệu học sinh, sinh viên nghèo, để các em không bị gián đoạn trên hành trình chinh phục tri thức của mình.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.