Vắc xin tinh thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Buổi chiều, lướt xem thông tin đổ dồn lên chiếc điện thoại nhỏ bé, bỗng nhận được tin nhắn của một người bạn: “Coi những thông tin ảm đạm, không biết chính xác đến đâu nhưng bị mất ngủ hoài”!

Mùa dịch, cũng là mùa của những thông tin thật giả lẫn lộn. Hầu như mỗi ngày, qua các ứng dụng, ai cũng nhận được không dưới dăm ba đoạn clip, hình ảnh nơi này nơi kia với không khí chuyển tải trong đó rất dễ khiến người đối diện với nó… xuống tinh thần. Với thói quen tò mò, những lúc ấy quả là rất khó cưỡng lại, và rồi cứ thế lan truyền.

Chuyện kiểm chứng thông tin khi đang thiếu những công cụ trợ giúp đối với cá nhân, đôi khi là bất khả. Chỉ khi có sự “đính chính” của truyền thông chính thống, dẫn lại sự phủ nhận từ cơ quan chức năng về những tin đồn ấy, mọi người mới vỡ lẽ rằng, à thì ra như vậy.

Nhưng trước đó, có thể người xem đã bị nhiễm một loại “vi rút độc hại”, gây rối loạn cảm xúc không đáng có.

Gần đây có một hiện tượng, ngoài số ca không may tử vong do dịch bệnh mà Bộ Y tế hằng ngày công bố rõ ràng, có một số trường hợp bệnh tật đau yếu không qua khỏi, rất nhiều khi bị gán ghép cho là bị nhiễm Covid-19 qua đời. Nghe ngóng thông tin, lại bình luận hỏi nhau í ới và dấy lên tâm trạng hoài nghi. Khi không nhận được câu trả lời, trong suy nghĩ mặc định ngay rằng, trường hợp ấy là nằm trong số ca tử vong vừa được công bố!

Nhưng rất may, trong số rất nhiều thông tin nhận được hằng ngày, vẫn hiển thị những dòng tin tức rất đẹp. Đó là sự cưu mang, bao dung đùm bọc nhau với nghĩa đồng bào trong hoạn nạn, là sự dấn thân của người trẻ trong cuộc chiến chống dịch của toàn đất nước... Kể từ mấy tháng qua, lúc dịch bắt đầu bùng phát, biết bao nghĩa cử được nhân rộng, lòng nhân ái lan tỏa khắp nơi, nhen lên niềm hy vọng và phần nào khỏa lấp đi những thông tin ảm đạm buộc lòng phải nghe, phải thấy.

Những động thái với nỗ lực cao nhất có thể để lo toan cho người dân trong vùng dịch của chính quyền, ngày đêm tập trung hết sức để giữ lại hơi thở người bệnh của lực lượng y tế tuyến đầu, cho đến sự bảo bọc yêu thương nhau trong từng ngõ hẻm, khu phố… lan tỏa trên không gian mạng, đã tạo nên những đốm sáng trong một giai đoạn vô cùng khó khăn. Không chỉ ở phạm vi một đô thị, một quốc gia mà hiển lộ trên khắp thế giới bằng biểu cảm cao nhất của hai chữ tình người.

Đối diện với nguồn thông tin vô tận như vậy, người viết nhận thấy đa phần giới trẻ khắp nơi vẫn luôn biểu lộ thái độ ủng hộ, lan tỏa cho những bản tin, những dòng trạng thái tích cực. Bên cạnh nhiều hành động với tình cảm yêu thương xứ sở chân thành và mãnh liệt, họ đã nhận chân và cảnh giác, tẩy chay với tin đồn thất thiệt gây hại cho cộng đồng bằng rất nhiều bình luận xác quyết mạnh mẽ. Điều ấy chứng tỏ rất rõ bản lĩnh thẩm định của họ đối với thế giới mạng còn đầy rẫy những lôi kéo tò mò, gieo rắc những lẫn lộn hiện nay.

Đó chẳng phải là một loại “vắc xin tinh thần” vô cùng đáng quý hay sao?

 

Theo TRẦN THANH BÌNH (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).