Phải tiếp sức "3 tại chỗ"!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rõ ràng "3 tại chỗ" là mô hình kỳ vọng nhưng không dễ thành công trong thực tế. Thực hiện cùng lúc "3 tại chỗ" với "Một cung đường, hai điểm đến", các doanh nghiệp (DN) ở TP HCM và một số tỉnh lân cận đang đuối sức.

"3 tại chỗ" là làm tại chỗ, ăn tại chỗ và ở tại chỗ. Đây là mô hình mà 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh từng áp dụng thực hiện khá thành công trước khi đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng lên tại các tỉnh, thành phía Nam.

Cơ khí - điện máy, điện tử, dệt may, giày da, gỗ - mỹ nghệ... là những lĩnh vực thâm dụng lao động, có lượng lớn đơn hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, do đó áp dụng "3 tại chỗ" là phù hợp và cần thiết. Nhưng trong thời gian ngắn thì được, kéo dài nhiều tháng trời thì DN chịu không nổi. Chi phí đồng loạt tăng khi thay đổi công năng nhà máy, xí nghiệp và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ăn, ở cho cả ngàn người; phải trả lương rất cao để động viên công nhân ở lại làm việc; tiền điện, nước và sinh hoạt phí cũng nhiều hơn trước. Thách thức lớn nhất là làm sao giữ an toàn giữa lúc dịch bệnh bủa vây. Chỉ lần xuất hiện một ca F0 trong nhà máy hoặc khu lưu trú là tất cả tan tành mây khói.

Nhưng thực hiện "3 tại chỗ" là để đạt đa mục tiêu, vừa giúp các DN sản xuất an toàn trước dịch bệnh vừa tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và giữ nhịp xuất khẩu, vì thế đâu chỉ đơn giản thấy khó là dừng.

Do đó, phải hỗ trợ các DN thực hiện "3 tại chỗ" thật kịp thời. Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo nêu nhiều bất cập khi DN thực hiện "3 tại chỗ" và đề xuất Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn với các tỉnh, đại diện các hiệp hội, ngành hàng và mời DN cùng dự để đánh giá tình hình nhằm tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho DN và tiếp tục triển khai mô hình theo cách phù hợp hơn. Riêng TP HCM, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo thành lập Nhóm Xử lý nhanh để giải quyết kịp thời những kiến nghị của DN "3 tại chỗ", hỗ trợ DN duy trì sản xuất...

Cùng với những giải pháp hành chính đó, rất cần thêm sự hỗ trợ, chia sẻ cụ thể về thuế, phí, tín dụng, tiền thuê đất cho các nhóm DN nói chung, nhất là các DN thực hiện "3 tại chỗ". Năm ngoái, DN trong nước được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm năm 2020 là khoảng 129.000 tỉ đồng. Hiện, DN rất mong chờ sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, trong đó Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng nguyên - vật liệu đang tăng giá mạnh.

Ngân sách nhà nước có thể hụt thu hàng chục ngàn tỉ đồng sau khi áp dụng các chính sách miễn giảm kể trên nhưng đó chỉ là tạm thời. Và đấy cũng chính là cách khoan thư sức dân, là nguồn dinh dưỡng để nuôi nguồn thu. Để có nguồn thu, tạo ra các giá trị cho xã hội, điều tiên quyết là phải giữ cho DN sống được và sống khỏe. Ngay lúc này, hãy dành sự ưu tiên cho các DN "3 tại chỗ"!

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.