Vượt qua e ngại!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong các trận bóng đá ở vòng chung kết Euro 2020 đang diễn ra, những khán đài luôn chật kín người hâm mộ. Nhiều khán giả Việt Nam giật mình: Sao họ mạo hiểm thế? Không, họ không mạo hiểm.

Họ đang tận hưởng niềm vui của cuộc sống từ kết quả do vắc-xin Covid-19 mang lại: Không e ngại dịch bệnh và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Đến thời điểm hiện tại, vắc-xin đã được xác định là "vũ khí" hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, sau rất nhiều biện pháp chống dịch không chỉ của từng quốc gia mà của cả thế giới. Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành, các quốc gia tìm mọi giải pháp để sớm đưa được vắc-xin đến với công dân. Điều này là hiển nhiên bởi mục đích lớn nhất của nhân loại khi nghiên cứu vắc-xin chính là dùng để chống lại bệnh truyền nhiễm. Và nay cũng vậy, tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin là cuộc đua với tốc độ lây lan SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Cuộc đua này chúng ta có thể thất thế lúc đầu nhưng ưu thế dần được thể hiện và kết quả chắc chắn là vắc-xin sẽ đến đích trước để hạn chế tối đa sự thiệt hại về sinh mệnh con người.

Trong bối cảnh này, ngày 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 toàn quốc. Đây là chiến dịch mạnh mẽ nhất, cốt yếu nhất để ngăn dịch bệnh đang ngày càng nguy hiểm ở nước ta. Chúng ta tự tin vào chiến dịch này bởi nguồn vắc-xin ngày càng dồi dào và những nghiên cứu vắc-xin trong nước đã tiệm cận với kết quả có thể sản xuất đại trà. Ngay trong sáng cùng ngày, 2 triệu liều vắc-xin Moderna do chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vắc-xin Việt Nam có được lên đến hơn 6 triệu liều. Theo kế hoạch, trong năm 2021, chúng ta có 125 triệu liều vắc-xin.

Đương đầu với dịch bệnh là vấn đề tất yếu trong quá trình tiến hóa của loài người. Qua một lần chiến thắng, con người thêm một lần trải nghiệm để dần mạnh mẽ trước tự nhiên. Loài người trải qua dịch đậu mùa - được mệnh danh là "tử thần đen" và vắc-xin ứng phó với dịch này đã có từ cuối thế kỷ XVIII. Bệnh tả giết hàng triệu người mỗi năm nhưng đã được chặn đứng bằng vắc-xin ra đời vào năm 1878. Bệnh lao khủng khiếp cũng đã được ngăn ngừa và tại Việt Nam sắp tuyên bố chấm dứt căn bệnh này. Hàng chục loại vắc-xin khác cũng đã được tiêm đại trà ở Việt Nam cho trẻ em mà không phải chờ đến khi dịch bùng phát. Và nay, trước đại dịch Covid-19, chúng ta đã sẵn sàng cho một chương trình ứng phó hữu hiệu khi trong tay đã có vắc-xin.

Tất nhiên, vắc-xin không phải thần dược nhưng là "vũ khí" hàng đầu trong thời điểm hiện nay để ngăn dịch bệnh. Không vì e ngại về những phản ứng của cơ thể đối với nó mà chúng ta từ chối "vũ khí" mạnh mẽ này. Tiếp cận được vắc-xin, chúng ta có thể tận hưởng niềm vui vốn có của cuộc sống: Xem một trận bóng đá ngoài trời, đưa con ra công viên, dắt tay cùng gia đình vào một quán ăn ngon, gặp gỡ bạn bè... Những điều tưởng chừng đơn giản này khi trải qua âu lo của cả một thời dịch bệnh mới thấy nó đáng giá biết bao.

 

Theo Hiếu Nghi (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.