"Mưa điểm 10", chúng ta đã yên tâm về chất lượng giáo dục?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Truyền thông đang tràn ngập hình ảnh về “mưa điểm 10”, danh hiệu thủ khoa các khối thi và kèm theo những lời chúc mừng thí sinh đạt điểm cao.

 

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa được Bộ GDĐT công bố vào 0h ngày 26.7. Ảnh: Hải Nguyễn
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa được Bộ GDĐT công bố vào 0h ngày 26.7. Ảnh: Hải Nguyễn


Theo thống kê từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT vừa được công bố, năm 2021, cả nước có 24.318 điểm 10 ở các môn - gấp 4,1 lần năm 2020, gấp 19,1 lần năm 2019. Năm 2020, cả nước có 5.965 điểm 10, năm 2019, số lượng điểm 10 trên cả nước chỉ là 1.285.

Môn Giáo dục công dân có hơn 18.680 bài thi đạt điểm 10; Tiếng Anh có hơn 4.345 bài thi điểm 10; Sinh học có 582 bài thi điểm 10; Địa lý có 227 điểm 10.

Một số địa phương cũng giành được “mưa điểm 10” như Hà Tĩnh: 578, Nghệ An: 761 và Thanh Hóa 1.288.

Cùng với đó, rất nhiều thí sinh được tôn vinh danh hiệu thủ khoa, được thưởng nóng cùng những lời khen ngợi, chúc mừng.

Đi thi, ai cũng mong được điểm cao. Điểm cao trong các kỳ thi mang lại niềm vui cho thí sinh, gia đình, thầy cô và nhà trường là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, nếu coi điểm thi là mục tiêu phấn đấu và ngành giáo dục thỏa mãn với điểm số cao, coi đó là tiêu chí của chất lượng giáo dục lại là một sự lệch lạc nguy hiểm. Trước hết, đây là kì thi tốt nghiệp THPT, đề thi ở mức độ phổ thông, thí sinh có học lực trung bình sẽ đạt 50% tổng điểm, bên cạnh một số câu hỏi khó có tính chất phân hóa.

Trước đây, tồn tại hai kì thi là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, điểm thi tốt nghiệp hầu như không ai quan tâm vì đây là kì thi có tính chất sát hạch, đề dễ, tổ chức tương đối lỏng lẻo. Còn tuyển sinh ĐH mới là chọn nhân tài, tính cạnh tranh gay gắt, đề rất khó và thí sinh đạt điểm cao được ngưỡng mộ, kèm theo học bổng, khen thưởng. Không hề xuất hiện tình trạng “mưa điểm 10” trong các kì thi tuyển sinh ĐH trước đây.

Năm nay, kì thi tốt nghiệp được tiến hành trong điều kiện đặc biệt. Sau khi đề thi được công bố, một số giáo viên đã nhận định đề dễ, “phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19”, nghĩa là độ khó thấp hơn bình thường để tạo điều kiện cho thí sinh trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc học tập có những gián đoạn, khó khăn nhất định. Việc chấm thi do các địa phương tổ chức cũng không quá chặt chẽ như chấm thi tuyển sinh đại học.

Do đó, việc nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng không nên cho rằng chất lượng giáo dục đã được nâng cao, để yên chí rằng học sinh đã thực sự giỏi.

Đối với học sinh, dù điểm cao tuyệt đối, tất cả mới chỉ bắt đầu, các em còn phải trải qua quá trình đào tạo nghề, chuyên môn tại các cơ sở đào tạo, trải qua thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, rồi mới trở thành người lao động, trí thức thực thụ. Thành tựu, kết quả trong lao động sản xuất, công tác, nghiên cứu khoa học, kinh doanh... mới là đích đến của giáo dục.

Nếu nền giáo dục chạy theo kết quả thi cử, điểm số, tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức nặng nề là “bệnh thành tích”, tâm lý chủ quan, tự mãn, xa rời thực tế, nội dung hàn lâm, lạc hậu, học sinh, sinh viên điểm số cao chót vót nhưng kĩ năng sống, kĩ năng thực hành hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhân lực.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mua-diem-10-chung-ta-da-yen-tam-ve-chat-luong-giao-duc-935020.ldo

Theo QUANG ĐẠI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.