Dẫu cửa trường công khép chặt...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa áp lực mùa thi căng thẳng, tôi ước gì những người làm bố làm mẹ đều được lắng nghe nỗi lòng của cậu lớp trưởng từng thi trượt lớp 10 trường công tên Ðỗ Việt Anh trong chương trình gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc".

Theo Việt Anh, em từng là niềm tự hào của gia đình, từng cực kỳ tự tin vào năng lực bản thân nhưng khi em đăng ký vào một trường điểm ở Hà Nội và kết quả lại không như ý. Em đã đánh đổ niềm tin của bố mẹ và đáng sợ hơn nữa là em đã sụp đổ hoàn toàn giấc mơ, bản lĩnh, niềm tin - những hành trang cực kỳ quan trọng tiếp bước chuyện học hành.

Lắng nghe chia sẻ của em, tôi và bạn bè đều giật mình khi em nói thời điểm đó, văng vẳng trong tâm trí em là câu nói trách móc theo kiểu "vô tích sự" của bố. Quả thật, cái dấu ấn trượt lớp 10 ấy đã in vết hằn trong suy nghĩ của người thân về sự thất bại. Và đáng sợ hơn tất cả, chính nó đã cứa vào lòng em một vết cắt rỉ máu…

Cú "ngã ngựa" của Việt Anh hồi lớp 10 năm ấy đang là "vết xe đổ" có thể lặp lại ở bất kỳ gia đình nào, bạn trẻ nào. May mắn bên em còn có một người mẹ kiên trì kéo con đi tiếp ước mơ làm nghề báo và những người thầy ở trường tư đã trao cho em một niềm tin rằng em có thể làm được, em có thể làm tốt, em có thể đứng dậy sau vấp ngã… Sau bao nhiêu sóng gió từ cú trượt ngã 2 năm trước, giờ Việt Anh là cậu học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp tục vững bước trên con đường học vấn. Và chúng ta biết có khá nhiều đứa trẻ đã không được may mắn như em…

Năm nay áp lực về tỉ lệ "chọi" vào các trường công lập vẫn y nguyên những năm trước. Tình hình chung sẽ có hàng ngàn thí sinh vuột chiếc vé vào ngôi trường mơ ước. Nước mắt chắc chắn sẽ rơi, áp lực thi trượt sẽ dội xuống. Chỉ là bản thân tôi (một cô giáo) không hề mong muốn có thêm một học sinh nào đó phải nghe lời phủ nhận năng lực từ người thân và chính bản thân mình.

Ai cũng biết, 9 năm đèn sách với bao hoài bão, ước mơ bỗng vụt tắt trong giây phút nhận kết quả thi. Ðiều đó luôn đi kèm nỗi hụt hẫng, bàng hoàng và thất vọng là lẽ đương nhiên. Nhưng trượt ngôi trường cấp 3 không phải là dấu chấm hết của cuộc đời! Và điều đó lại càng không phải là mọi cánh cửa tương lai đều đóng sập trước mắt các em. Vì vậy, người lớn hãy bình tĩnh cùng con vượt qua thời khắc khó khăn bằng cách hãy bình tâm đón nhận kết quả, dẫu không như ta mong muốn. Xin các bậc làm bố mẹ hãy nắm lấy tay con, dang rộng vòng tay ôm con vào lòng, ghé bờ vai vững chãi của chúng ta để đỡ nâng con trẻ đứng dậy khi vấp ngã… Lắng nghe tiếng lòng của con cái muốn chuyển hướng ngành gì, muốn xét tuyển vào đâu. Tìm cơ hội cho tương lai của con cần một cái đầu bình tĩnh và một trái tim ấm nóng yêu thương!

Dẫu cánh cửa trường công lập khép chặt thì chúng ta vẫn còn vô số lối rẽ để cho con vào đời. Ðừng biến hiện tại thành địa ngục vì điểm số, thi trượt! Bởi hạnh phúc, niềm tin, sự lạc quan của con trẻ là điều quý giá và ý nghĩa nhất đối với bậc sinh thành, phải không?

Theo Trang Nguyễn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).