Ba chân trụ cho tiêm chủng vắc xin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 là một thử thách cần rất nhiều nỗ lực của chính quyền, của hệ thống y tế, của nhiều lực lượng xã hội, và của người dân.

Mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin Covid-19 cho khoảng 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng là chiến lược then chốt để đưa cuộc chiến chống dịch của Việt Nam vào thế chủ động, thiết lập trạng thái bình thường mới mà mọi người mong đợi.

Thử làm một phép tính nhẩm. Nếu tính từ ngày 1.7 đến hết năm 2021, quỹ thời gian còn lại của năm là 183 ngày. Vậy thì bình quân mỗi ngày Việt Nam sẽ phải triển khai tiêm gần 820.000 liều. Nếu chia đều con số này cho 63 tỉnh thành thì bình quân mỗi tỉnh thành sẽ tổ chức tiêm khoảng 13.000 liều/ngày. Còn với một thành phố đông cả chục triệu dân như TP.HCM sẽ vào khoảng 76.500 liều/ngày.

Một đối sánh: Trong nỗ lực cấp bách cuối tháng 6 vừa qua, TP.HCM với điều kiện về hạ tầng và nhân lực y tế của một thành phố lớn, đã mất khoảng 9 ngày (từ 19 - 27.6) để tiêm được 701.568 liều vắc xin Covid-19 cho người dân, tức là khoảng 78.000 liều/ngày.

Một con số khác để tham chiếu: Việt Nam có chưa đến 1 bác sĩ và 2 y tá/1.000 dân - một tỷ lệ rất khiêm tốn. Nghĩa là nhân lực y tế sẽ phải nỗ lực tối đa để hoàn thành thử thách này. Số lượng vắc xin cần tiêm cho người dân trong kế hoạch từ đây đến cuối năm 2021 chắc chắn là một con số đặt hệ thống y tế các địa phương vào tình trạng phải huy động gần như tối đa nguồn lực y tế công.

Chưa kể, việc tổ chức tiêm vắc xin đòi hỏi phức tạp về khâu vận chuyển, bảo quản vắc xin, khám sàng lọc trước tiêm, kiểm tra và hỗ trợ xử lý phản ứng sau tiêm. Điều này khiến cho việc tổ chức tiêm, huy động nhân lực y tế và nhân lực hỗ trợ trở nên phức tạp, nhất là đối với những nơi hạn chế về nguồn lực y tế.

Vậy mới thấy, mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 là một thử thách cần rất nhiều nỗ lực của chính quyền, của hệ thống y tế, của nhiều lực lượng xã hội, và của người dân.


Chính phủ phải nỗ lực tối đa để mở rộng tất cả các cơ hội tiếp cận vắc xin cho đất nước, vì quan hệ cung cầu vắc xin trên phạm vi toàn cầu vẫn rất khó đoán trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến chủng mới đe dọa nhiều quốc gia. Chính phủ cũng nên tìm cách dỡ bỏ tất cả các rào cản để cho phép khu vực tư nhân được tham gia vào bài toán giải quyết vắc xin. Cuộc chiến Covid-19 cần “cỗ xe song mã” để gia tăng tốc độ ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.

Triển khai tiêm chủng cả nước chắc chắn sẽ đẩy hệ thống y tế công ở các địa phương vào thử thách về công tác tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả, loại trừ các rủi ro lây nhiễm chéo do tụ tập đông người ở các điểm tiêm chủng. Chưa kể, năng lực xử lý các trường hợp phản ứng xấu sau tiêm cần được tính toán kỹ lưỡng.

Chúng ta cần những phương án rất cụ thể để thiết lập một cách khoa học. Và luôn luôn, trong những phương án đó, mỗi người dân phải cố gắng tuân thủ chỉ dẫn và hợp tác tối đa để giúp giảm áp lực cho chính quyền, cho nhân viên y tế. Chính quyền nỗ lực, y tế gắng sức, người dân hợp tác sẽ là ba chân trụ để quyết định hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vắc xin cả nước.

Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.