Xúc động Tết Thiếu nhi thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 năm nay diễn ra trong thầm lặng, tất cả hoạt động vui chơi dành cho các em đều phải tạm dừng. Các em thiếu nhi phải chịu nhiều thiệt thòi khi ở nhà với cha mẹ để tránh dịch Covid-19.

Hình ảnh một số trẻ em phải vào khu cách ly để điều trị hay phải xa cha mẹ (cách ly do bị lây nhiễm) đã làm xúc động biết bao người. Đại dịch còn làm cho các em bị sang chấn về tâm lý, lo lắng, sợ hãi...

Khi đại dịch ập đến, trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc trẻ phải ở nhà cùng cha mẹ. Các em bị gián đoạn quá trình học tập, việc tiếp thu các hoạt động của môi trường xung quanh giảm đi. Do sợ lây nhiễm, nên cha mẹ không dám đưa con đi bệnh viện thăm khám sức khỏe, ảnh hưởng đến quá trình bảo vệ sức khỏe trẻ em. Đó là chưa nói đến việc các em mất nhiều cơ hội tham gia các hoạt động kỹ năng, giao tiếp... trong quá trình cách ly, giãn cách xã hội.

Một bất lợi trong mùa dịch, việc thu nhập của cha mẹ giảm sút, có phụ huynh phải mất việc. Kinh tế gia đình khó khăn, từ đó cha mẹ dễ bỏ bê con cái để mưu sinh.

Trẻ em phải luôn được tạo mọi điều kiện để giáo dục, phát triển nhằm tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh.

Vì thế, trong thời điểm ở nhà chống dịch sẽ có em bị gò bó, ràng buộc... dẫn đến bộc lộ những hành vi căng thẳng, hoặc lo âu trong việc học hành. Các bậc cha mẹ cần phải quan tâm tới con mình, quan sát những thay đổi trong hành vi bột phát của con. Cha mẹ cũng nên cần phải liên lạc với giáo viên, hoặc chuyên gia tư vấn để thảo luận về những khó khăn mà gia đình gặp phải khi hỗ trợ chăm sóc trẻ em một cách tốt nhất.

Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các địa phương cần hỗ trợ các bậc cha mẹ qua hình thức trực tuyến việc chăm sóc thiếu nhi đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần cho các em.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, thời điểm này không nên đưa con đến khám ở bệnh viện nếu bệnh tình không nặng, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo. Một cách hữu hiệu nhất là cha mẹ cần chủ động đặt lịch cho bác sĩ khám trực tuyến.

Để giải tỏa được bức bối của trẻ trong thời điểm cách ly, giãn cách xã hội, gia đình cũng có thể tìm cách giúp các con kết nối từ xa qua internet. Chẳng hạn, dành thời gian có giới hạn để cho con giao lưu với bạn bè qua mạng xã hội.

Điều quan trọng nhất, nhà nước cần nhanh chóng hơn nữa việc mua vắc xin tiêm chủng để miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, cần ưu tiên chích vắc xin cho trẻ em để bảo vệ nguồn nhân lực tương lai.

Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Tết Thiếu nhi năm nay, trẻ em rất thiệt thòi khi không có tiếng hát, điệu múa, trò chơi như những năm trước, nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy là cha mẹ gần gũi các con hơn do giãn cách xã hội phải ở nhà chống dịch. Đó là hạnh phúc. Và để hạnh phúc hơn nữa, gia đình và xã hội cần tạo mọi điều kiện tốt nhất trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo Võ Ba (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.