Bầu cử - chọn mặt gửi vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các đại biểu sau khi được bầu cần phải thể hiện như thế nào vai trò là người đại biểu của nhân dân, để thực sự xứng đáng với niềm tin, hi vọng mà cử tri gửi gắm cho mình.

Mấy ngày qua điện thoại của tôi liên tục nhận được dòng tin nhắn: "Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng  và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".  Thật sự đó là điều mà tất cả cử tri đều mong mỏi, chọn được người đại diện xứng đáng, để nói lên tiếng nói của cử tri, chứ không phải vào quốc hội để làm "quan cách mạng" – như chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong một bài viết mới đây kể lại câu chuyện khi còn đương chức ông đặt câu hỏi cho các cử tri trẻ liệu có nhớ trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi mình đã bầu cho ai không? Câu trả lời nhận được là gần như không ai nhớ đã bầu cho đại biểu tên gì. Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra kết luận: "Không nhớ tên các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mình đã bầu là tình trạng chung của nhiều cử tri chúng ta".

Câu hỏi được đặt ra là các đại biểu sau khi được bầu cần phải thể hiện vai trò của mình như thế nào khi đã được cử tri gửi gắm niềm tin, để cử tri còn nhớ đến. Điều đó bắt đầu ngay từ lúc vận động tranh cử. Khi còn là phóng viên, bắt đầu từ  Quốc hội khóa X, tôi được cử theo dõi các hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Trong suốt gần 4 nhiệm kỳ liên tiếp,  tôi được tham gia khá nhiều các cuộc vận động tranh cử của các ứng viên.

Phải nói rằng, bên cạnh nhiều ứng viên có những  bài nói có sự chuẩn bị công phu, có sức thuyết phục thì còn rất nhiều ứng viên có chương trình hành động rất  sơ sài với những lời hứa chung chung. Nhiều cử tri không ấn tượng, không nắm rõ hết thông tin về các ứng viên – hoặc do việc cung cấp thông tin ứng cử viên chưa đa dạng,  nên trong quá khứ có hiện tượng nhiều cử tri đi "bầu cho xong", không cần biết mình đã bầu cho ai.

Chính từ sự nhạt nhòa ban đầu đó, sau này cử tri cũng không  bao giờ quan sát xem những người được bầu có thực hiện đúng những lời hứa khi vận động tranh cử hay không. Thậm chí không bao giờ đòi hỏi đại biểu phải thực hiện vai trò đại diện cho lợi ích của mình.


 

 Công tác phục vụ cho bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn Hà Nội được chuẩn bị bài bản. (Ảnh: H.T).
Công tác phục vụ cho bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn Hà Nội được chuẩn bị bài bản. (Ảnh: H.T).



Nếu như không có dịch Covid-19, tôi tin rằng sẽ có nhiều hoạt động của các ứng viên hơn trong công tác vận động bầu cử, ứng viên có thời gian gần gũi hơn với cử tri. Ứng cử viên, khi đã đưa ra những cam kết công khai với cử tri, nếu được bầu cũng sẽ có động lực hơn để thực hiện cam kết đó, và người dân thì có nhiều cơ hội hơn để thực hiện "dân kiểm tra".

Quan trọng nhất là khi đã đắc cử, người đại diện đó hành động như thế nào. Họ trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thực sự hành động như đã hứa với những người đã bỏ phiếu cho mình, hay là để đại diện, vận động chính sách cho một vài nhóm lợi ích nào đó, hoặc tư lợi cho chính mình? Họ đủ bản lĩnh để trở thành người đại diện cho trách nhiệm, có tâm, có tầm với những quyết định cho đất nước, nhân dân, cho địa phương mình, hay sẽ ngả nghiêng trước những cám dỗ lợi ích?

Chính ngay trong những phiên chất vấn trước đây tại Quốc hội, có đại biểu đã phải thốt lên về tình trạng liệu có những lợi ích nhóm trong nghị trường. Thực tế đã có một số ít lựa chọn không đúng dẫn tới để lọt người không đủ đức, tài vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây đã xảy ra một số trường hợp ĐBQH bị tước tư cách ĐBQH, thậm chí bị xử lý hình sự, với những sai phạm rất nghiêm trọng. Điều này đã làm ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội.

Ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp đến chính là ngày toàn dân "chọn mặt gửi vàng". Lời nhắn gửi của Hội đồng bầu cử quốc gia đến từng thuê bao điện thoại về việc sáng suốt lựa chọn người tiêu biểu về đức, tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân có ý nghĩa rất thiết thực, bởi đây là dịp để "tìm vàng" cho đất nước.

Cả đất nước đều mong dịp này sẽ lựa chọn được những người xuất sắc nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, tránh tình trạng  "Quốc hội là dân, dân quyết sai thì dân chịu" như nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói.

https://danviet.vn/bau-cu-chon-mat-gui-vang-20210522101429495.htm

Theo Ngô Chí Tùng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.