Chung tay vượt khó vì mục tiêu tăng trưởng 6%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 6% là mức tăng trưởng mà Chính phủ đã mạnh dạn đặt ra cho nền kinh tế trong năm 2021. Con số này có lạc quan quá không khi mà năm 2020, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Chính phủ sẽ làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới là điều mà người dân rất quan tâm.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đợt 1 theo hình thức họp trực tuyến đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Đây là kỳ họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và cũng là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Ngay tại phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày một bản báo cáo khá chi tiết, có phân tích, đánh giá một cách xác thực, khoa học và cũng rất thẳng thắn về những việc đã làm được và cả những tồn tại, hạn chế trong quá trình điều hành nền kinh tế năm 2020. Đồng thời, Chính phủ cũng đã đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2021. Trong đó, có yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng-chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021. 
Con số 6% Chính phủ đặt ra quả là đã làm cho không chỉ các đại biểu Quốc hội, mà cả các chuyên gia kinh tế và những người quan tâm đến tình hình thời sự đất nước cũng phải lưu tâm. Liệu đó có phải lạc quan quá không, khi mà những tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế trong năm 2020 đã rất nặng nề.
Thêm vào đó là những yếu tố bất lợi do thiên tai trên khắp 3 miền đất nước. Liên tục những trận bão, lũ trong suốt tháng 10 và khả năng còn chưa kết thúc trong tháng 11 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân các tỉnh miền Trung, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp, giáo dục, xây dựng nông thôn mới... Điều đó cho thấy, mức tăng trưởng 6% đặt ra là mục tiêu khá cao, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp hết sức đồng bộ, chính xác và sự quyết liệt trong công tác điều hành.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Cũng có người đặt câu hỏi: Nếu chúng ta không đạt được mức tăng trưởng 6% thì sao? Khi các cân đối lớn của nền kinh tế như lao động-việc làm, cán cân thương mại, chỉ tiêu thu-chi ngân sách… đều phụ thuộc vào cân đối “xương sống” chính là tăng trưởng. Cho nên, cuối cùng, dù có là mục tiêu “kỳ vọng”, dù biết rằng sẽ rất khó khăn, thì ai cũng thừa nhận rằng, phải quyết tâm phấn đấu để đạt bằng được mức tăng trưởng 6% như Chính phủ đã đề ra. Vấn đề là cần những giải pháp đồng bộ, tích cực để tháo gỡ những khó khăn để vận hành nền kinh tế đi đúng hướng.
Đến thời điểm này, có thể nói, chúng ta đã quản lý, ngăn ngừa dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Chúng ta đang thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định. Đó là nhiệm vụ không thể một phút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Trong tình hình mới, khi dịch Covid-19 trên thế giới đang bùng phát trở lại dữ dội hơn, công tác phòng-chống dịch của nước ta cần được xác định một cách kiên quyết, mạnh mẽ hơn, tuyệt đối không để xảy ra một ổ dịch Đà Nẵng thứ 2. Đồng thời, xác định rõ hơn các trọng tâm, trọng điểm để cơ cấu nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương, tận dụng lợi thế và tập trung nguồn lực cho phát triển, nhất là chú trọng chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam khi chúng ta đang có nhiều lợi thế về môi trường an toàn.
Vấn đề là chúng ta cần một cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư vượt trội.
Thời gian còn lại của năm 2020 không nhiều, khó khăn vẫn ở phía trước. Tuy nhiên, các kịch bản cho tăng trưởng trong năm tới cũng đã được các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế dự báo.
Thực tế hiện nay cho thấy, không thể kỳ vọng vào việc ngăn chặn dịch bệnh của thế giới, khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020. Sự tác động của nó đối với nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021 là không thể tránh khỏi, vì nền kinh tế của chúng ta đang có độ mở lớn, tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta quản lý tốt vấn đề dịch bệnh, Chính phủ và chính quyền các địa phương có giải pháp tốt, huy động được sự chung tay nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì bất chấp những khó khăn hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng GDP từ 5 đến 6% trong năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.