Virus corona và "quan tham"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đúng lúc dịch Covid-19  đang làm xáo trộn nhiều mặt của xã hội, trong tôi, rất tự nhiên, hiện ra những hình ảnh so sánh đầy chua xót giữa virus và “quan tham”.



Hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus nCoV (dịch Covid-19) đang làm xáo trộn nhiều mặt của cuộc sống. Nhiều lễ hội truyền thống phải hủy bỏ, tốc độ phát triển kinh tế bị đe dọa sẽ chậm lại đáng kể. Đặc biệt, hơn hai chục triệu học sinh, sinh viên phải nghỉ học hết tháng 2 và không biết đó đã là mốc cuối hay chưa...

Trước những chuyện thời sự nóng bỏng hiện tại, bất chợt “dòng sinh thái” phát triển của “quan tham” và tác hại khôn lường do chúng gây ra ập đến tôi rõ mồn một. Dù con virus vô cùng nhỏ bé và “quan” thì thật to nhưng sao lại có nhiều mặt giống nhau đến kinh hoàng.

Điểm giống nhau rất rõ của hai loại đối tượng này là gây tác hại khôn lường cho xã hội.

Quá trình phát triển của loài người cho thấy, hết loại virus này đến loại virus khác luôn gây hết đợt dịch này đến đợt dịch khác cho con người. Chúng gây đủ các loại bệnh, từ những bệnh quen thuộc như cảm lạnh, viêm gan B, rubella, cảm cúm, rồi những bệnh nhạy cảm cho đến các bệnh nguy hiểm như bệnh dại, AIDS, hay phát sinh những biến thể mới gây đại dịch SARS và dịch Covid-19 hiện đang đe dọa tới sức khỏe, mạng sống của loài người, làm đảo lộn sinh hoạt khắp toàn cầu.

Đồng thời lịch sử loài người cũng cho thấy, “quan tham” luôn xuất hiện, gây đủ kiểu bức xúc, phẫn nộ cho xã hội và nhiều khi chính nó là nguyên nhân quyết định khiến nhiều thể chế sụp đổ. Ở nước ta, các “quan tham” không chỉ là “bầy sâu”, mà chúng liên kết chặt chẽ với nhau thành các băng nhóm lợi ích khủng ở hầu hết các lĩnh vực. Nhưng, nhiều kẻ “sâu mọt” đó đã và đang bị tống vào “lò rực lửa” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.


 

 Các băng nhóm lợi ích xoay quanh trục “lá bài” Út “trọc” đã cùng nhau vướng vòng lao lý.
Các băng nhóm lợi ích xoay quanh trục “lá bài” Út “trọc” đã cùng nhau vướng vòng lao lý.



Các loài virus và các loại “quan tham” giống nhau ở cách tồn tại là nhờ ăn bám và sống ký sinh. Theo các nhà khoa học, virus  không phải là sinh vật, cũng không đủ hình hài là một tế bào, chỉ có thể sống nhờ bám vào các tế bào sống, nhưng nó luôn biết tự biến đổi gene khiến các nhà khoa học phải xoay như chong chóng để tìm hiểu chúng mà vẫn bất ngờ mỗi khi nó bùng phát.

Và các “quan tham” cũng không khác gì các loài virus, cũng sống nhờ ký sinh, đục khoét ngân khố quốc gia và ăn không từ thứ gì của dân, nhưng lại giàu tới mức chúng có thể mua được nhiều thứ, kể cả chức tước, quyền hành. Và các “quan tham” cũng luôn biến đổi mình để che giấu tham nhũng, thậm chí có thể thay đổi cả chính sách, cả luật để tồn tại, để ăn cắp, ăn cướp tiền tài quốc gia, kể cả dân nghèo chúng cũng không tha: Ăn không từ thứ gì.

Dù vậy, những điểm khác nhau của hai loại đối tượng này cũng rất rõ trong muôn mặt của cuộc sống.

Thứ nhất, virus nhỏ bé tới mức, phải cô lập và qua kính hiển vi hiện đại mới may mắn thấy được chúng, trong khi đó các “quan tham” lại rất “hoành tráng”, mũ mão chỉnh tề, uy nghi, luôn rao giảng đạo đức nên ai cũng biết mặt, biết tên. Chỉ khi bị vạch trần, họ mới lồ lộ là loại “virus” nguy hiểm nhất thế gian này.

Thứ hai, nếu như các nhà khoa học trên thế giới không bị giới hạn bởi thể chế chính trị, cùng chung tay nhằm sớm phát hiện, ngăn ngừa tác hại của virus, thì ngược lại, dù đại đa số người dân căm hờn, luôn muốn tiêu diệt  “quan tham”, nhưng quá khó khi vấp phải lực cản vô hình. Bởi “quan tham” có quyền lực rất lớn, lại liên kết chặt chẽ với nhau, khiến pháp luật nhiều khi trở thành trò đùa trong tay của chúng.

Do đó, chống các dịch do virus gây ra, kể cả thành đại dịch, tuy khó, rất khó, nhưng con người luôn chiến thắng dịch bệnh. Ngược lại, chống “quan” tham không khéo khốn khổ cả gia đình, thậm chí cả sinh mạng.

Phim “Sinh tử” đang chiếu trên màn ảnh nhỏ, tuy chỉ phản ánh phần nhỏ sự thật, nhưng đã khắc họa cuộc chiến chống tham nhũng khó khăn tới mức nào và cuộc chiến ngoài đời không phải bao giờ cũng có kết hậu như phim.

Thứ ba, con người có thể khống chế tốt các loại virus bởi chúng không có liên kết, không có kẻ đầu trò, thì ngược lại, các loại “quan  tham” tuy có thể hằm hè, sẵn sàng “thịt” nhau, nhưng khi cần, chúng có thể kết bè cánh với nhau, lại sẵn quyền lực trong tay, có kẻ cầm đầu.

Do đó “đánh” chúng cực kỳ khó, mà nhiều khi càng đánh chúng càng mạnh, thực tế chúng có thể nhấn những cán bộ liêm chính xuống bùn đen bởi vô số đòn bẩn.

 

http://danviet.vn/kinh-da-trong/virus-corona-va-quan-tham-1061395.html

Theo Vương Hà (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.

Để TP.HCM là nơi đáng sống

Để TP.HCM là nơi đáng sống

Có lẽ không nên ngạc nhiên lắm về thông tin TP.HCM đứng đầu danh sách các địa phương mà người dân cả nước muốn di cư đến, theo Báo cáo 'Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023' vừa công bố ngày 2.4.