Đâu thể ngưng, nghỉ mãi vì dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Áp lực phòng chống dịch COVID-19 ở giai đoạn 3 là rất lớn nhưng áp lực phải đưa mọi hoạt động học tập, giải trí, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường cũng lớn không kém.
 

 Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp - Ảnh: THANH HƯNG
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp - Ảnh: THANH HƯNG



Khi dịch COVID-19 lan ra 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc phòng chống dịch ở Việt Nam xem như chuyển sang giai đoạn 3. Người dân cần được làm quen với chống dịch ở giai đoạn mới nhiều diễn biến đã đẩy chúng ta gần hơn cảnh phải sống chung với dịch COVID-19.

Có thể tạm chia ra: giai đoạn 1 với tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), giai đoạn 2 tâm dịch là 2 địa phương ở Hàn Quốc và nay dịch đã lan ra khắp thế giới với nhiều tâm dịch khác nhau.

Nếu trước đây, khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, số người bị cách ly tại Việt Nam là không lớn. Nhưng nay đã có trên 10.000 người từ vùng dịch về được cách ly tập trung, chưa kể những người nước ngoài đang phải cách ly tại nơi cư trú.

Tuần đầu tháng 3 này là tuần thứ 5 học sinh mầm non, tiểu học, THCS và cả học sinh THPT cùng sinh viên ở một số địa phương còn nghỉ học. Đến lúc nào đó, các em cũng phải trở lại trường lớp. Đã có hàng trăm ngàn học sinh THPT, sinh viên một số trường đại học đến lớp. Số này sẽ tăng lên trong các tuần tới, ở các cấp lớp khác nhau...

Với sản xuất kinh doanh cũng không thể ngưng trệ mãi. Thiệt hại do gián đoạn giao thương là rất lớn. Chuyện ở một doanh nghiệp có 60.000 lao động tại Thái Nguyên là ví dụ. Hôm 1-3, khi đoàn của Bộ Y tế kiểm tra việc phòng dịch tại doanh nghiệp này, phó giám đốc doanh nghiệp cho biết từ khi Hàn Quốc trở thành tâm dịch, doanh nghiệp phải ngưng điều động lao động Hàn Quốc đến Việt Nam, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất những mẫu sản phẩm mới.

Rồi mọi người cũng phải quen với cảnh như doanh nghiệp có 60.000 lao động ở Thái Nguyên đã làm. Đó là ngay từ cửa nhà máy có nhân viên theo dõi thân nhiệt, phát khẩu trang, có video hướng dẫn cách rửa tay đúng cách, phòng y tế với các bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ... Tất cả vì mục tiêu: nhà máy phải hoạt động.

Nhiều cửa khẩu giao thương với Trung Quốc cũng tìm cách để hoạt động trở lại như lập đội trung chuyển xe container qua lại biên giới thay vì tài xế phải lái xe qua nước bạn khi quay về phải chịu cách ly...

Áp lực phòng chống dịch COVID-19 ở giai đoạn 3 là rất lớn nhưng áp lực phải đưa mọi hoạt động học tập, giải trí, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường cũng lớn không kém.

Có điểm tích cực là nhiều người từ chỗ quay quắt với khẩu trang, nay chú trọng hơn việc rửa tay đúng cách, cẩn thận khi giao tiếp ở nơi công cộng... Chúng ta đang chống dịch với các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Trong những ngày tới, người dân phải quen dần với những bệnh viện dã chiến, những khu cách ly tiếp tục mọc lên.

Cũng đừng "choáng" hay giật mình với con số người phải cách ly ngày một tăng lên. Bởi đó là việc bình thường của mùa dịch, cách ly là để phòng dịch bệnh, không đồng nghĩa với đã nhiễm COVID-19.

Tháng 3 này cũng là tháng thứ tư thế giới biết đến virus corona chủng mới xuất xứ ở Vũ Hán.

Nhưng trong tháng này thế giới cũng biết đến đã có 1 bệnh viện dã chiến ở Trung Quốc đóng cửa sau khi hoàn thành sứ mệnh. Hàng ngàn nghiên cứu khoa học về căn bệnh mới này đã được công bố.

Mỗi người, từng doanh nghiệp cũng đang xoay trở để vừa phòng dịch, vừa đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đã đến lúc chúng ta chống dịch ở giai đoạn mới bằng những cách làm mới, mọi người cũng chuẩn bị tâm thế bình tĩnh để sống chung với dịch.

 

Theo Lan Anh (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn TP.Long Khánh, làm khoảng 550 trường hợp phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 7.5).
Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.
Tự hào những dấu son lịch sử

Tự hào những dấu son lịch sử

(GLO)- Khoảng 1 tháng trước khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại tỉnh Điện Biên, trên khắp mạng xã hội đã rầm rộ lan truyền hàng ngàn clip ngắn quay lại cảnh tập luyện diễu binh, diễu hành của các lực lượng.