Cách nào để những kẻ quen trục lợi từ không gian ảo chùn tay?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Mức phạt hơn chục triệu đồng không làm cho những kẻ quen trục lợi từ không gian ảo chùn tay, do đó cần có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn.



Mỗi lần xuất hiện sự vụ khiến dư luận quan tâm, nhiều người ồ ạt livestream hay đăng tải hình ảnh, thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Thế giới ảo nhưng luật là thật

Với ý đồ lôi kéo sự chú ý, không ít Facebooker không ngại cập nhật liên tục thông tin bệnh dịch trong và ngoài nước trên Facebook. Đa phần Facebooker có tuổi đời rất trẻ. Ngày 21-2, cơ quan chức năng tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Hữu Thũy (26 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Trước đó, công an phát hiện Thũy đăng tải trên Facebook cá nhân nội dung: "Nghe nói Tây Ninh có người bên China với bên Campuchia về bị nhiễm virus corona. Nguy hiểm quá. Trốn thôi anh em ơi. Corona tới". Làm việc với công an, Thũy thừa nhận đó là tin bịa đặt.

Tương tự, Lâm Tấn Quân (29 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) mới thi hành lệnh đóng phạt 10 triệu đồng về hành vi tung tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội. Quái hơn nhiều Facebooker khác, Quân bịa chuyện bản thân nhiễm Covid-19, đang ở bệnh viện... Lập tức, trạng thái Quân đăng tải thu hút rất nhiều bình luận, làm cộng đồng mạng hoang mang.


 

Cơ quan chức năng triệu tập Lâm Tấn Quân đến làm việc sau lần tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận
Cơ quan chức năng triệu tập Lâm Tấn Quân đến làm việc sau lần tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận


Về căn cứ chế tài, luật sư Nguyễn Trung Trực (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện cơ quan chức năng áp dụng mức phạt từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức; từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân (Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Trung Trực, tới đây, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Theo đó, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức; từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân. "Như vậy, cơ quan chức năng có cơ sở vững chắc hơn để xử lý đối với những trường hợp "câu like" trên internet" - luật sư Nguyễn Trung Trực nói.

Cần thêm hình phạt đi kèm

Nhiều ý kiến cho rằng hình thức xử phạt hành chính không có tác dụng mạnh đối với những thành phần quen trục lợi từ không gian ảo. Bằng chứng là chỉ tính riêng những thông tin bịa đặt liên quan đến dịch Covid-19, đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý gần 200 đối tượng tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, bằng nhiều hình thức (phạt tiền, buộc xóa nội dung trên Facebook cá nhân, cam kết không tái phạm). Con số đó cho thấy những đối tượng này chưa biết sợ, vẫn liều lĩnh "câu like".

Luật sư Nguyễn Trung Trực lưu ý mỗi cá nhân phải có trách nhiệm về nội dung mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. "Việc phát ngôn, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội luôn nằm trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng khác. Nếu vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì đó là hành vi phạm pháp" - luật sư nhấn mạnh.

Về cách trị tin giả, nhà nghiên cứu văn hóa - ThS Nguyễn Thành Luân nhận xét một số nơi giao sở thông tin - truyền thông làm đầu mối xử phạt. Việc cơ quan chức năng tích cực xử lý những trường hợp cụ thể như vừa qua phần nào hạn chế tình trạng gia tăng, tiếp nối sai phạm. Qua thông tin xử phạt, những công dân trẻ nhận thức nghiêm túc hơn về cách sống và làm việc theo pháp luật. Ông Luân góp ý: "Bên cạnh những hình thức xử phạt mà cơ quan chức năng đang áp dụng, các địa phương cần chú trọng xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật của người dùng mạng xã hội. Những buổi tuyên truyền pháp luật bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp trên mạng xã hội sẽ phát huy hiệu quả nhất định, giúp người dân tăng cường sức đề kháng trong thế giới ảo. Nếu mức phạt tiền không quá cao thì nhà chức trách nên ràng buộc thêm những hình thức xử lý khác như: nhặt rác nơi công cộng trong nhiều ngày, công khai xin lỗi ở khu dân cư, người vi phạm tham gia phổ biến kiến thức luật trên mạng xã hội hoặc trong cộng đồng dân cư...".


 


Nếu chứng minh được thiệt hại, sẽ xử lý hình sự

Theo điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015: Người bịa đặt, loan truyền những thông tin mình biết rõ là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích người khác, có thể bị truy cứu tội "Vu khống" với mức phạt từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Theo điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015: Cơ quan thực thi pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng trực tiếp bịa đặt, tung tin thất thiệt như đưa những thông tin trái với quy định pháp luật đó lên mạng để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại, gây dư luận xấu làm giảm uy tín cơ quan, tổ chức, cá nhân. Người vi phạm có thể lãnh mức án cao nhất là 7 năm tù.



Theo DI LÂM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.