Tìm hướng mở cho nông sản Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài ảnh hưởng về sức khỏe của người dân, dịch Covid-19 đang tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam khi Trung Quốc-thị trường nhập khẩu đến 70% sản lượng trái cây Việt đang hạn chế nhập khẩu vì dịch bệnh. Tìm thị trường mới cho nông sản Việt là việc làm cấp bách nhất lúc này của ngành chức năng và chính quyền các địa phương.
Tìm thị trường mới cho nông sản Việt là việc làm cấp bách nhất lúc này của ngành chức năng và chính quyền các địa phương. (ảnh internet)
Tìm thị trường mới cho nông sản Việt là việc làm cấp bách nhất lúc này của ngành chức năng và chính quyền các địa phương. (ảnh internet)
Từ nhiều năm qua, rau quả luôn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của ngành nông nghiệp với con số bình quân 26,5% trong giai đoạn 2011-2018. Có thời điểm, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng ngang bằng, thậm chí vượt qua cà phê và bỏ xa các mặt hàng chủ lực khác như: gạo, điều, hồ tiêu... Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,8 tỷ USD (tăng 8,8% so với năm 2017) với thị trường tiêu thụ rộng khắp 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, năm 2019 được đánh giá là một năm khó khăn đối với ngành rau quả Việt Nam khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã giảm 14,5% trong 10 tháng năm 2019, đạt gần 2,1 tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm hơn 4% kim ngạch xuất khẩu rau quả chung của Việt Nam trong năm 2019 so với năm 2018.
Không phải đến tận bây giờ, khi xảy ra dịch Covid-19 thì việc tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho rau quả Việt Nam mới được đặt ra, nhất là khi năm nào cũng xảy ra tình trạng rau quả của ta chịu cảnh ăn chực nằm chờ ở các cửa khẩu phía Bắc. Bên cạnh việc tìm cách đưa rau quả Việt sang các thị trường khó tính khác thì khai thác tốt thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường chế biến sâu cũng là cách mà ngành công thương và bản thân ngành nông nghiệp đang hướng đến.
Thực tế thì mấy năm gần đây, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả của nước ta cũng có chuyển dịch tích cực khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều tăng trên 10%… Nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam đã được đưa vào các siêu thị lớn như hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc; hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)… chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường khó tính.
Những tác động xấu từ dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhất là lĩnh vực xuất khẩu rau quả cũng là dịp để ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc tái cơ cấu sâu hơn theo hướng sản xuất hàng hóa, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ các yếu tố trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, biến nguy cơ thành cơ hội, hướng đến phát triển một cách bền vững. Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cũng xem đây là dịp để nhìn lại mình, tăng cường việc tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu và mạng lưới phân phối sản phẩm ở thị trường nội địa, giảm dần sự lệ thuộc vào khách hàng Trung Quốc, không để cảnh “giải cứu” nông sản theo kiểu vận động cơ quan, đoàn thể chung tay mua giúp nông dân mớ rau, con cá như lâu nay tái diễn.
Câu chuyện ông Kao Siêu Lực-chủ thương hiệu bánh kẹo Á Châu-ABC, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á sản xuất bánh mì từ thanh long mấy ngày qua không chỉ giúp người trồng thanh long đỡ phải bán đổ bán tháo sản phẩm vì không xuất khẩu được sang Trung Quốc mà còn gợi mở một hướng tiêu thụ căn cơ, bền vững cho trái cây Việt Nam.
Hay trong tuần vừa rồi, bên lề chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến Ấn Độ, lãnh đạo Bộ Công thương nước ta đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đối tác để tìm cách đưa nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường 1,3 tỷ dân này. Một tín hiệu vui là ông Mohit Singla-Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ (TPCI) đánh giá, thanh long của Việt Nam ngon hơn thanh long của nhiều nước khác. Đồng thời khuyến nghị chúng ta cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái thanh long hơn nữa trong thời gian tới để người dân Ấn Độ được dùng loại quả này. Ngoài ra, vải, nhãn, chôm chôm của Việt Nam cũng là loại trái cây ngon với hương vị đặc biệt có thể cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ. 
Thị trường Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Gia Lai, nhất là với mặt hàng cao su, dưa hấu. Hiện nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, hàng trăm hộ dân Gia Lai đã giảm sút thu nhập do dưa hấu ứ đọng không xuất khẩu được, khiến nhiều hộ lao đao.
Vấn đề lúc này là nâng cao chất lượng và nghiên cứu chế biến sâu sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt để ổn định được thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường thông qua mối liên kết với doanh nghiệp chế biến. Cơ hội sẽ xuất hiện sau khi dịch được khống chế. Lúc đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, những sản phẩm chất lượng và sản phẩm của những doanh nghiệp có uy tín với thị trường sẽ là lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Hòa bình

Hòa bình

(GLO)- Tôi luôn muốn thốt lên câu ấy vì hòa bình là khát vọng muôn thuở, khát vọng ngàn đời của con người. Nó là mục tiêu, là ý chí, là giá trị vĩnh hằng mà con người hướng tới, mơ tới, nghĩ về và luôn luôn muốn nó là hiện thực.

Thành quả lịch sử

Thành quả lịch sử

Trước năm 1975 đúng 200 năm, vào năm 1775, sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) hoàn thành tác phẩm Việt Sử Tiêu Án, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh.
Giữ hòa bình trường tồn

Giữ hòa bình trường tồn

Ngày chị Đặng Thùy Trâm còn dốc lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh, người dân Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị đau ốm, chị đã âm thầm viết hai quyển nhật ký. 35 năm sau khi chị Trâm hy sinh, hai quyển sổ ghi nhật ký của chị từ đất Mỹ đã trở về với đất Việt và người Việt.
Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.