Lá chuối và bức thư của Thủ tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, nhiều doanh nghiệp, chuỗi siêu thị đã đồng loạt triển khai dùng lá chuối để gói thực phẩm bán cho khách hàng thay cho túi ni lông. Việc làm này được xem là một trong những nỗ lực nhằm thay đổi thói quen của người dân trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải ni lông.   
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đời sống người dân cũng thay đổi theo hướng tận dụng mọi cơ hội mà các thành tựu khoa học mang lại nhằm tiện lợi hóa các nhu cầu của cuộc sống. Đồ dùng thủ công được thay thế bằng đồ dùng công nghiệp. Trong đó, túi ni lông là một thứ đồ dùng tiện lợi được con người sử dụng nhiều nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải khó phân hủy ngày càng trầm trọng. Ước tính, chỉ khoảng 9% trong số 9 triệu túi ni lông đã qua sử dụng được tái chế. Trong khi lượng túi ni lông được sản xuất ngày một nhiều hơn, cho thấy mức độ ảnh hưởng đến môi trường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Người tiêu dùng thích thú khi thấy thực phẩm được bọc gói bằng là chuối (ảnh internet)
Người tiêu dùng thích thú khi thấy thực phẩm được bọc gói bằng là chuối (ảnh internet)
Chương trình bảo vệ môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) dự đoán đến năm 2050, trái đất sẽ có 12 tỷ tấn rác ni lông được lưu hành, trôi nổi, gồm chai lọ nhựa, giấy gói, túi ni lông và nhiều thứ khác. Tình trạng này khiến các quốc gia trên thế giới phải tìm kiếm giải pháp thay thế.
Việt Nam cũng không còn là ngoại lệ khi tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa đang ngày càng trầm trọng. Không chỉ thành thị mà ở nông thôn bây giờ, việc sử dụng tùy tiện túi ni lông đang làm gia tăng đáng kể lượng rác thải sinh hoạt khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường sống con người. 
Đã có nhiều chương trình, dự án, nhiều cuộc vận động gìn giữ môi trường được phát động. Cũng từng có những dự án do nước ngoài tài trợ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ và các doanh nghiệp công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tuyên truyền, hỗ trợ người dân phân loại rác thải tại nguồn. Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các dự án thu gom, chế biến rác thải để sản xuất phân bón, chạy máy phát điện…, hạn chế đốt rác thủ công hoặc chôn lấp nhằm tránh ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tình hình xem ra vẫn chưa có gì chuyển biến. Không chỉ trên đất liền, rác thải nhựa còn gây ô nhiễm biển, làm đau đầu các nhà môi trường. Nhiều nơi đã thành điểm nóng mất an ninh trật tự khi xảy ra mâu thuẫn giữa doanh nghiệp với người dân sống gần các khu xử lý rác thải.
Vì vậy, việc một số doanh nghiệp như: hệ thống chuỗi các siêu thị Co.op Mart Việt Nam, Siêu thị Big C Đà Nẵng, Siêu thị Big C Hà Nội... sử dụng lá chuối và các sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi ni lông được xem là nhằm góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, tiến tới thay thế hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông bằng các vật dụng hữu cơ, dễ phân hủy để hạn chế tác hại đối với môi trường.
Dùng lá chuối và sản phẩm tự nhiên gói hàng thay túi ni lông không phải là chuyện nhỏ như nhiều người nghĩ, mà là một việc lớn, rất lớn. Trong thư khen các doanh nghiệp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đây là biện pháp thiết thực để hạn chế việc sử dụng và thải rác ni lông ra môi trường, đang được thế giới khuyến khích nhân rộng để bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất”. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.
Mà đâu chỉ lá chuối, Việt Nam có nhiều loại lá có thể dùng để gói. Tre, dừa, mo cau, lá sen và nhiều vật liệu từ thiên nhiên đã, đang và sẽ có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất thành những vật dụng thay nguyên liệu nhựa. Ống hút từ cây sậy, túi xách giấy, thìa, đĩa, đũa, cốc từ gỗ, sọ, xơ dừa... đều rất thân thiện với môi trường. Những vật dụng thân thiện ấy còn là sản phẩm hấp dẫn du khách quốc tế khi họ biết đến Việt Nam là đất nước văn minh, thân thiện với môi trường, thể hiện trách nhiệm góp phần bảo vệ hành tinh xanh.
Hy vọng những tấm lá chuối nho nhỏ gói mớ rau theo các bà nội trợ từ chợ về nhà sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân. Khi người dân từ chối túi ni lông, hạn chế sử dụng đồ nhựa, không xả rác bừa bãi thì lúc đó, chúng ta có quyền hy vọng về môi trường sống không ô nhiễm, về một Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.