Xin lỗi dân, có gì mà xấu hổ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chiều 8-1 đã gửi thư xin lỗi về việc Văn phòng Bộ Công Thương dùng xe công, đón người nhà tại sân bay Nội Bài.
Trước đó, nhiều hành khách bức xúc trên mạng xã hội về việc trên chuyến bay VN262 tối 4-1 tại sân bay Nội Bài, có xe biển xanh vào khu vực hạn chế tại sân bay, tới tận chân cầu thang máy bay đón người nhà lãnh đạo. Sự việc "tạo sóng" dư luận suốt 4 ngày qua.
Bức thư xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Điều này cho thấy người dân bức xúc trước sự tùy tiện dùng tài sản công được mua sắm từ tiền thuế của dân để phục vụ việc tư nhưng cũng sẵn sàng hoan nghênh thái độ nghiêm túc, thành khẩn, biết sai nhận lỗi của một chính khách.
Ở góc nhìn tích cực, có thể nói Bộ trưởng Bộ Công Thương đã biết tiếp thu ý kiến phê bình của công luận để công khai xin lỗi nhân dân, lãnh đạo Đảng, nhà nước. Người đứng đầu ngành công thương coi đây là bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, dư luận có quyền chất vấn: Xin lỗi rồi sao nữa? Xin lỗi để xoa dịu dư luận hay để làm sáng tỏ vụ việc? Chính phủ đã cấm sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, để xảy ra vụ việc trên có phải kỷ cương phép nước bị xem thường? Lãnh đạo Bộ Công Thương cần trả lời tường tận câu hỏi.
Trong thế giới văn minh, xin lỗi và từ chức là biểu hiện đạo đức của người đứng đầu. Từ chuyện của Bộ Công Thương, vấn đề văn hóa xin lỗi một lần nữa cần được đưa ra bàn luận. Trên thực tế, không ít bộ, ngành, địa phương cũng đã để xảy ra nhiều vụ việc "tai tiếng" nhưng người đứng đầu vẫn giữ thái độ "im lặng là vàng".
Từ vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang bị vỡ lở, gây rúng động toàn xã hội xảy ra đã khá lâu cho đến lĩnh vực giao thông, y tế cũng xảy ra không ít "tai tiếng", gây bức xúc dư luận nhưng lãnh đạo bộ chủ quản cũng rất kiệm lời xin lỗi người dân.
Không lẽ, quan chức xin lỗi là một điều gì đó vô cùng hiếm ở Việt Nam? Hay do "đổ lỗi và chối lỗi" đã thành thói quen nên nhiều người ngại nói lời xin lỗi!
Sai với dân thì phải xin lỗi. Xin lỗi để sửa lỗi và có trách nhiệm hơn trong vai trò công bộc của dân. Việc ấy không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ văn hóa.
Người dân luôn rộng lượng với những công bộc biết lỗi và xin lỗi để sửa sai nhưng họ cũng sẽ không tha thứ cho những vị chỉ xin lỗi theo kiểu "đầu môi chót lưỡi". 
Quốc Lê (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.