Mổ xẻ sai phạm đất đai từ vụ Út 'trọc', Vũ 'nhôm', Thủ Thiêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 ra đời, song sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Út 'trọc', Vũ 'nhôm', Thủ Thiêm…
Lỗ hổng tùy tiện xác định giá đất
Sáng 6/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra”. Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước, thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và việc bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.
 
Sáng 6/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra”.
Về quản lý đất đai, những hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng, như việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm.
Tổng kiểm toán lấy ví dụ về sự bất cập của chính sách trong áp dụng phương pháp xác định giá đất. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.
Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị, vì vậy đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát ngân sách nhà nước. Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi, vì chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất”, ông Phớc cho hay.
Theo Tổng Kiểm toán, phương pháp xác định giá đất theo phương pháp thặng dư được áp dụng phổ biến nhất hiện nay phụ thuộc 2 yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển. Cả 2 yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; thời gian xây dựng giá và thời gian giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau.
Do đó, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng…đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.
Tổng KTNN cũng cho rằng, vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân và toàn xã hội như sự cố Formosa, DAP 2 Lào Cai là một ví dụ điển hình. “Sự phối hợp thiếu chặt chẽ và kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý đất đai, môi trường và khai thác, kinh doanh khoáng sản giữa các cơ quan có thẩm quyền là một yêu cầu cấp thiết cần phải được tăng cường”, ông Phớc bày tỏ.
Lạm dụng chức vụ có tổ chức
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2014 – 2018, dù Luật Đất đai 2013 ra đời, song sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý. Các mức độ vi phạm diễn ra từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Út “trọc”, Vũ “nhôm”, Thủ Thiêm…
Đề cập đến trường hợp ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, tình trạng làm trái quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra, mặc dù đã có không ít những vụ án hình sự liên quan đến đất đai bị khởi tố và thủ phạm bị nghiêm trị.
“Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tổ chức, theo nhóm, có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền”, ông Ánh cho hay.
Giải pháp ngăn chặn các sai phạm đang tồn tại, theo TS Vũ Đình Ánh, cần bịt những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo điều kiện phát sinh vi phạm, thậm chí tránh né sự trừng phạt của pháp luật. Những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Luân Dũng (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn TP.Long Khánh, làm khoảng 550 trường hợp phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 7.5).
Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

Phát huy hiệu quả các gói ưu đãi, hỗ trợ

(GLO)- Những công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gần đây về triển khai nhiệm vụ điều hành, thúc đẩy chính sách tiền tệ năm 2024 đều nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.
Tự hào những dấu son lịch sử

Tự hào những dấu son lịch sử

(GLO)- Khoảng 1 tháng trước khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại tỉnh Điện Biên, trên khắp mạng xã hội đã rầm rộ lan truyền hàng ngàn clip ngắn quay lại cảnh tập luyện diễu binh, diễu hành của các lực lượng.