Giới hạn của sự hiếu kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Suốt từ trưa đến đêm 1-10, các báo điện tử và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về vụ vây bắt đối tượng Trần Ngọc Sơn trong căn nhà số 128 Hồng Bàng (phường Lê Mao, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Sơn là đối tượng bị Công an TP. Vinh thi hành lệnh bắt khẩn cấp về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng đã chống đối rồi cùng đồng bọn ôm lựu đạn cố thủ trong nhà, buộc Công an tỉnh Nghệ An phải huy động rất đông cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường bao vây, thuyết phục đầu hàng.
  Cận cảnh hiện trường cảnh sát dùng súng bắn tỉa bao vây đối tượng có 'hàng nóng' cố thủ trong nhà ở Nghệ An
Một số người tụ tập kín xung quanh hiện trường cảnh sát dùng súng bắn tỉa bao vây đối tượng có 'hàng nóng' cố thủ trong nhà ở Nghệ An (ảnh nguồn Vietnamnet)
Theo dõi diễn biến vụ việc, điều gây chú ý nhất không phải hình ảnh các chiến sĩ Công an vất vả, căng thẳng làm nhiệm vụ mà là hàng trăm, hàng ngàn người dân từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ tụ tập kín xung quanh hiện trường. Dường như với những người này, việc theo dõi một vụ vây bắt đối tượng hình sự có vũ khí nóng cũng giống như một buổi xem biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao. Bởi vậy, ngay cả khi trời mưa hay lực lượng Công an dùng loa đề nghị giải tán để đảm bảo an toàn, đám đông hiếu kỳ vẫn không rời khỏi hiện trường.
Trước đó, hẳn nhiều người còn nhớ, vào chiều 28-11-2017, khi lực lượng công binh trục vớt 1 quả bom dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 60 cm sót lại từ thời chiến tranh nằm ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), rất đông người đi qua đã dừng xe máy ngay trên mặt cầu để theo dõi. Trong số họ, hẳn không ai mảy may nghĩ đến những hậu quả nếu quả bom khổng lồ này phát nổ.    
Nhắc đến đám đông hiếu kỳ còn phải kể tới sự việc xảy ra sáng 9-12-2014 tại đường Đặng Tất (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Một nhân chứng cho biết, rạng sáng hôm đó, người này nhìn thấy một chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi dừng lại trước căn nhà số 12 Đặng Tất rồi những người trên xe khiêng một hộp gỗ dài khoảng 1 m, cao 50 cm bỏ xuống. Ngay sau đó, người này đã báo cơ quan chức năng. Dù lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường đề phòng trong chiếc hộp này có bom mìn nhưng đám đông hiếu kỳ vẫn không ngừng kéo đến khiến cả đoạn đường Đặng Tất bị ùn tắc nghiêm trọng. Rất nhiều người còn cố tiến đến sát chiếc hộp để nhìn cho rõ.
Sự hiếu kỳ, xét cho đến cùng không phải là điều xấu. Nó thể hiện mong muốn của mỗi người được nghe tận tai, nhìn tận mắt, nắm bắt đầy đủ thông tin về một sự việc mà họ quan tâm. Hiếu kỳ cũng không phải là nét tính cách của riêng người Việt mà của con người nói chung, dân tộc nào cũng vậy. Chỉ có điều, trong một xã hội văn minh, hiếu kỳ cũng cần có giới hạn nhất định. Tiếc rằng, một bộ phận không nhỏ người Việt hiện nay không nhìn thấy cái giới hạn đó để điều chỉnh hành vi của mình. Bằng chứng là gần như ngày nào trên báo chí, trên mạng xã hội người ta cũng thấy hình ảnh những đám đông hiếu kỳ, khi vây quanh một vụ tai nạn, lúc đứng xem một vụ cháy, nhìn một vụ ẩu đả, bao quanh hiện trường một vụ án mạng… Thậm chí, cả những vụ việc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người như đã nói ở trên, nếu như ở nhiều nước khác, người dân đã tìm mọi cách để tránh càng xa hiện trường càng tốt thì ở nước ta, nhiều người vẫn cố bu vào để xem.
Không ai có thể cấm đoán sự hiếu kỳ của người khác. Nhưng phải nói lại một lần nữa rằng, sự hiếu kỳ cũng cần có giới hạn nhất định, trước hết là để đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân mỗi người. Người Việt thường nói, mạng sống là thứ quý giá nhất trên đời. Chẳng thế mà ngay cả những người mắc bệnh hiểm nghèo, biết khó có thể chữa khỏi nhưng vẫn bán nhà cửa, đem hết tài sản để chữa trị với hy vọng níu giữ sự sống. Vậy thì những người bất chấp hiểm nguy chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ cần phải bị phê phán. Sau nữa, việc dừng lại ở giới hạn của sự hiếu kỳ là để không làm ảnh hưởng đến công việc, sự an toàn của người khác, cụ thể ở đây là trường hợp những vụ tai nạn, hỏa hoạn, án mạng… Việc đám đông hiếu kỳ tụ tập xung quanh hiện trường các vụ cháy, tai nạn giao thông không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến việc chữa cháy, cứu người bị nạn của lực lượng chức năng. Đối với nhiều vụ án, đám đông hiếu kỳ còn làm xáo trộn những dấu vết tại hiện trường, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, thu thập chứng cứ…
Mỗi người, nếu có tính hiếu kỳ, hãy tự xác định cho mình một giới hạn nhất định, đừng để ảnh hưởng đến chính bản thân và những người xung quanh.
Thùy Chi

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.