Cải thiện bữa cơm cho học sinh bán trú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây 4 năm, trong một chuyến công tác, tôi ghé thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong, huyện Kbang (Gia Lai). Có thể nói, ở vùng sâu, vùng xa mà có được một trường học khá khang trang, nền nếp như thế là đáng quý.
Bữa cơm 3 nghìn đồng của học sinh tiểu học Đăk Rong (nguồn: dantri)
Bữa cơm 3 nghìn đồng của học sinh tiểu học Đăk Rong (nguồn: dantri)
Được biết, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đánh giá rất cao về công tác xây dựng mô hình bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số và xem đó là điển hình cần nhân rộng. Bấy giờ, Hiệu trưởng nhà trường là thầy Phạm Quốc Tuấn cho tôi biết sơ qua về tình hình ăn ở, sinh hoạt bán trú của học sinh. Gọi là bán trú nhưng thực chất hơn 200 học sinh đều ăn ở nội trú tại trường từ thứ hai đến thứ sáu. Vào mùa mưa, các em ở làng xa phải ở lại suốt đôi ba tuần liên tục. Nhà nước hỗ trợ các em học bán trú hàng tháng là 460.000 đồng/học sinh (40% lương cơ bản); trừ đi khoản trả tiền công cấp dưỡng và các chi phí vệ sinh cá nhân, mỗi em chỉ còn lại 10.000 đồng để ăn 3 bữa/ngày. Các thầy cô và người cấp dưỡng phải hết sức tiết kiệm và kêu gọi sự đóng góp rau, quả của phụ huynh mới có thể giải quyết cho các em ăn đủ no, chưa nói đến việc đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Để giúp học sinh nơi đây có điều kiện cải thiện việc ăn ở, sinh hoạt, nhà trường đã sáng kiến kêu gọi sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân nhằm xã hội hóa công tác nội trú. Quỹ Nhân ái của Báo Điện tử Dân Trí cũng lập hẳn một địa chỉ để tiếp nhận sự hỗ trợ cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong. Dù vậy, với học sinh nhà trường, khẩu phần mỗi bữa ăn theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng vẫn còn là điều xa vời…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 trường Tiểu học tổ chức bán trú cho học sinh ăn trưa tại trường, ngoài ra ở 8 huyện thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cũng có 25 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú. Với đặc thù giáo dục dân tộc miền núi, ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương đã quy định các nội dung giáo dục chuyên biệt trong trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Riêng các trường phổ thông dân tộc bán trú hầu hết đều có nhà ăn, bếp ăn tập thể, nhà ở cho học sinh; tuy chưa khang trang và đầy đủ phương tiện theo nhu cầu nhưng phần nào cũng giải quyết được việc ăn ở của các em. Ở các trường Tiểu học có bán trú thuộc vùng thuận lợi, các bếp ăn có thể duy trì theo yêu cầu thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh nhờ vào sự đóng góp của phụ huynh. Nhưng các trường bán trú vùng dân tộc thiểu số khó khăn do chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là chính, phần thu từ xã hội hóa dường như không có nên mỗi bữa ăn của các em thường duy trì ở mức 5.000-7.000 đồng/em/bữa. Với giá cả thực phẩm hiện nay cũng như khoảng cách địa lý giữa các trường vùng sâu, vùng xa với khu vực trung tâm thì việc cải thiện để bữa ăn có đầy đủ thịt cá là điều không dễ, do đó chưa thể nói đến việc đảm bảo dinh dưỡng cho mỗi học sinh để giúp các em từng bước nâng cao thể lực, học tập tốt hơn. Đó là vấn đề nan giải của các trường dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh hiện nay. Một số ít đơn vị có cơ sở vật chất đầy đủ, có đất rộng thì thầy và trò tổ chức lao động sản xuất thêm để có rau xanh bổ sung trong các bữa ăn, còn những nhu cầu khác khó có thể đáp ứng nếu không được sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân.
Trước đây, khi đọc bài “Bữa ăn 3.000 đồng của học sinh Tiểu học Đak Rong” trên báo Dân Trí, nhiều bạn đọc đã chia sẻ: “Đọc bài viết mà mình rơi nước mắt, thương mấy em nhỏ quá đi thôi… Mong mọi người chung tay giúp các em nhiều hơn nữa!”. Có độc giả đã trải lòng: “Tôi rất xót xa khi đọc những thông tin này. Mức sống ở nước ta quá chênh lệch giữa các em ở thành thị và vùng sâu. Mong rằng các em sẽ được nhiều bữa ăn ngon! Và chúng ta nên nhìn lại cách đầu tư cho giáo dục”.
Tôi nghĩ rằng, ngay từ bây giờ cần có cuộc vận động rộng rãi trong xã hội để rồi các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân có thể đăng ký đỡ đầu cho học sinh dân tộc thiểu số các trường bán trú hàng năm, qua đó chung tay giúp các em cải thiện điều kiện ăn ở và học tập… Có vậy mới có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.