Giáo dục trẻ giao tiếp văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hành vi văn hóa được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có giao tiếp. Đây cũng là một trong những kỹ năng quan trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống và thành công sau này của trẻ. Tuy nhiên, để giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp văn minh đòi hỏi phải có quá trình rèn luyện cùng phương pháp phù hợp.
Trong chuyến công tác về Kông Chro (tỉnh Gia Lai) mới đây, tôi không khỏi giật mình khi nghe câu chuyện của một số em nhỏ bên sân bóng. Chỉ trong khoảng 15 phút, tôi nghe khác nhiều câu nói tục, chửi bậy của các em. Hỏi chuyện, tôi biết tất cả các em đều đang đi học, em lớn nhất năm nay lên lớp 5, em nhỏ nhất là mẫu giáo. Sau khi nghe tôi phân tích rồi khuyên không nên dùng những từ ngữ “xấu xí” khi nói chuyện với nhau, bọn trẻ chỉ cười bẽn lẽn; em dạn dĩ hơn thì bảo: “Trong xóm có nhiều người thường nói vậy, cha mẹ thỉnh thoảng cũng nói nên chúng em học theo”.
Một tình huống khác cũng khiến tôi chạnh lòng là thái độ ứng xử của đứa trẻ đối với cụ bà trên chuyến xe khách từ huyện Đak Pơ đi TP. Pleiku. Xe khá đông khách. Khi xe qua đèo Mang Yang thì có một cụ già vẫy tay đón. Cụ muốn lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm con đang cấp cứu nhưng đợi cả tiếng đồng hồ rồi vẫn chưa thể đón được xe. Mặc dù có chút ái ngại vì các băng ghế đều chật kín, song trước sự năn nỉ của cụ bà, bác tài đành miễn cưỡng tiếp nhận khách. Một người mẹ trẻ trên xe thấy thế liền bảo đứa con trai độ 7 tuổi ngồi lên chân mình để nhường chỗ cho bà nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu. Cậu bé còn hét toáng lên: “Con muốn ngồi ghế cho thoải mái, sao mẹ cứ bắt con ngồi với mẹ? Mình đã trả tiền rồi, sao lại phải nhường cho người khác?”. Người mẹ nhìn mọi người với ánh mắt ái ngại rồi chuyển thái độ sang trách mắng con. Thấy thế, một vị khách trung niên đã đứng dậy nhường ghế cho cụ bà nhằm giải tỏa bầu không khí căng thẳng trên xe.
Tôi nhớ đã đọc đâu đó câu nói của nhà tư tưởng nổi tiếng người Nga Alexander Herzen rằng: “Thứ quan trọng nhất trong cuộc sống là phép lịch sự. Nó quan trọng hơn nhiều so với trí tuệ và sắc đẹp”. Cũng là người đang có con nhỏ, tôi ít nhiều hiểu được cảm giác bất lực của người mẹ trẻ trước hành vi không đúng đắn của con mình. Bởi lẽ, con gái tôi cũng là một cô bé có cá tính mạnh, gần như không thích sự chi phối của người khác, trừ khi ai đó chịu khó giải thích để con hiểu được vấn đề mình được yêu cầu làm là đúng và hợp lý. 
Những đứa trẻ chẳng khác gì tờ giấy trắng. Nếu bạn làm bẩn nó, tờ giấy không còn sử dụng được nhưng nếu bạn cẩn thận vẽ lên đó thật tỉ mỉ và có tâm, ắt hẳn nó sẽ trở thành một bức tranh đẹp. Việc giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ cũng vậy, cần phải có sự kiên nhẫn, thấu hiểu, đúng cách và phải được rèn luyện sớm. Bởi lẽ, đối với một đứa trẻ, các cấp độ giao tiếp sẽ phát triển dần theo độ tuổi. Càng lớn, trẻ sẽ càng mở rộng phạm vi giao tiếp hơn, không chỉ trong gia đình mà còn ra ngoài xã hội. Dĩ nhiên, không chỉ mỗi gia đình là đủ mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường-môi trường mà trẻ tiếp xúc, học tập hàng ngày. Ở độ tuổi mầm non, cha mẹ và thầy cô nên hướng các con đến cách cư xử lễ phép và lịch sự với từng đối tượng mà trẻ gặp gỡ. Tin rằng, một đứa trẻ có hành vi tốt chắc chắn sẽ nhận lại được những giá trị tốt đẹp và nhiều thành công hơn trong tương lai.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm