Ô nhiễm môi trường trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xem nhẹ đầu tư đồng bộ trong xây dựng trường, lớp học là tình trạng đã tồn tại từ rất lâu. Thường các nhà đầu tư chỉ xem trọng việc xây dựng “phần cứng”, gọi là “chính”, phần còn lại như điện, nước, công trình vệ sinh, không gian sinh hoạt, hoạt động của thầy-cô giáo và học sinh... gọi là “công trình phụ” nên ít được quan tâm tới.

 

Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học
Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học. Ảnh: H.T

Có thể trước đây, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục lại lớn nên đầu tư dàn trải, lại thiếu quy hoạch bài bản, ổn định. Vì vậy, nhiều trường chưa ra trường, lớp chưa thành lớp dẫn đến tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường... là điều dễ hiểu.

Nhưng những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế đất nước phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo được xã hội và chính quyền đặc biệt quan tâm, quy hoạch đầu tư phát triển ổn định lâu dài, nhiều chương trình được triển khai khá đồng bộ thì không thể chấp nhận tình trạng thiếu các công trình phụ trong nhà trường. Mới đây, chúng tôi có dịp ghé thăm một số trường ở một vài huyện, tình trạng những “công trình phụ” ấy vẫn chưa có gì thay đổi. Ở ngôi trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS tại một xã vùng khó của huyện Kbang, có thể thấy quy mô đầu tư xây dựng khá lớn, đúng là trường ra trường, lớp ra lớp, sự dạy và học có thể nói là khá tốt. Với ý định tìm hiểu xem nhà trường còn cần gì để chung tay hỗ trợ một phần, các bạn cùng nhóm chúng tôi sau khi “khảo sát” một vòng phía bên ngoài lớp học đã đề xuất nên giúp nhà trường xây dựng khu vệ sinh. Nhưng rất may, nhu cầu ấy đã được huyện đầu tư xây dựng ngay trong năm học này. Hàng chục ngôi trường ở các huyện khác mà chúng tôi đến cũng không hơn gì ngôi trường nói trên, nếu không muốn nói là có nơi ô nhiễm từ hệ thống vệ sinh còn tệ hơn gấp nhiều lần.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lâu nay có tình trạng xây trường, lớp học “chuẩn”, nhưng hệ thống nước sinh hoạt và nhà vệ sinh vô cùng kém bởi... nó là phụ-công trình phụ. Rác thải nói chung và rác thải nhựa bừa bãi, vương vãi khắp từ trong lớp học đến ngoài sân trường; nhiều khuôn viên lớp học không có lấy một bóng cây xanh, tường, trần, sàn nhà lở lói, bong vỡ và bị bôi bẩn đủ các loại sắc màu... Nhà trường là nơi đào tạo ra những lớp người mới cho xã hội, là môi trường văn hóa; sách vở, thầy-cô giáo dạy dỗ các cháu nhỏ bao điều tốt đẹp, là những kiến thức phổ thông về xã hội, mối quan hệ cộng đồng, giúp các cháu có một kiến thức nhất định “làm vốn” khi chúng bước vào đời. Thế mà nhà trường, nơi chúng hàng ngày cắp sách đến, lại đập vào mắt những thứ nhếch nhác, mất vệ sinh không thể chấp nhận được! Hỏi chuyện về khâu tiểu tiện của các cháu tại một lớp học ở làng, chúng tôi nhận được câu trả lời rất tự nhiên của cô giáo: Các cháu “đi”... tùy ý chúng. Một số trường và điểm trường, theo quan sát của chúng tôi, vốn cũng đã có khu vệ sinh với giếng và bồn, bể chứa nước được xây dựng, tuy nhiên cùng với yếu tố thời gian và do không được thường xuyên bảo quản, sửa chữa, những công trình phụ ấy đã xuống cấp, hư hỏng, không thể sử dụng được.

Đã sắp hết học kỳ I của năm học này, rồi sẽ có sơ kết, rút kinh nghiệm trong việc dạy và học, cũng sẽ có nhiều nơi... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều cấp, ngành sẽ có đánh giá công tác đầu tư, xây dựng trường lớp... Thế nhưng liệu đã có cấp, ngành nào, lãnh đạo nào thấu hiểu nỗi khổ của thầy-cô giáo và học sinh ở không ít ngôi trường trên địa bàn tỉnh ta phải chịu cảnh “sống chung” với tình trạng ô nhiễm môi trường ngay trong môi trường giáo dục?  

 

ĐOÀN MINH PHỤNG

 

Có thể bạn quan tâm