Chư Sê: Hiệu quả mô hình trồng rau sạch trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Vườn rau thanh niên”, “Vườn rau của em”… là những mô hình thiết thực được nhiều trường học tại huyện Chư Sê, Gia Lai thực hiện nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh, phần còn lại được bán để gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo.
Mô hình “Vườn rau thanh niên” của Trường THPT Trường Chinh rộng hơn 1.000 m2 được chia thành nhiều luống nhỏ gieo trồng các loại rau như cải xanh, rau muống, ớt, cà chua, đậu cô ve... Nhìn vườn rau xanh mướt, không ai nghĩ rằng nơi này trước đây vốn là một khu đất trống cằn cỗi. Thầy Lê Văn Hoàn-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết, toàn trường hiện có 981 học sinh, trong đó có 55 học sinh nhà cách trường khá xa (xã Dun, Hbông). Vì vậy, nhà trường đã tận dụng nhà công vụ để bố trí cho các em được ở lại nhằm thuận tiện cho việc đi lại và học tập. Bên cạnh đó, hàng tháng, nhà trường đều kết nối kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm và thầy-cô giáo hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm. Cách đây 8 năm, chi bộ nhà trường giao cho Đoàn trường thực hiện mô hình “Vườn rau thanh niên” để giúp các em có thêm nguồn thực phẩm sạch nhằm cải thiện bữa ăn, phát triển kỹ năng sống.
  Vườn rau của học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê). Ảnh: H.T
Vườn rau của học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê). Ảnh: H.T
Bắt tay thực hiện mô hình này, nhà trường hỗ trợ chi phí mua phân bón, Đoàn trường hỗ trợ chi phí mua hạt giống và hàng tuần tổ chức chương trình “Ngày chủ nhật xanh” để tham gia cùng các em cải tạo đất, trồng và chăm sóc vườn rau. Riêng các em phân công nhau tưới nước, làm cỏ, bắt sâu. Nhờ đó, vườn rau phát triển tốt, không chỉ cung cấp đủ thực phẩm hàng ngày mà còn dư để bán lấy tiền trang trải các hoạt động khác. “Mô hình được triển khai đã giúp các em được trải nghiệm cách trồng, chăm sóc rau sạch để đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông qua việc bán rau, các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp và có ý thức bảo vệ môi trường khi được thầy-cô giáo hướng dẫn gói rau bằng lá chuối để giao cho khách. Ngoài ra, nhờ lao động tập thể, các em thêm gắn kết với nhau và hào hứng học tập hơn; từ đó, góp phần tích cực vào việc duy trì sĩ số của nhà trường”-cô Nguyễn Thị Mỹ Nga-giáo viên trực tiếp hỗ trợ các em thực hiện vườn rau chia sẻ.
Em Siu Sâm Mi (lớp 11A1) cũng vui vẻ cho hay: Khi mới tham gia trồng rau, em và các bạn chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vườn rau chậm lớn, hay bị sâu bệnh. Nhờ thầy cô hướng dẫn, chúng em biết chăm sóc rau tốt hơn và biết chuyển đổi các loại giống cây trồng sau mỗi đợt thu hoạch. Ngoài ra, việc tham gia trồng rau đã giúp chúng em giảm bớt căng thẳng sau mỗi giờ học, có thêm tiền từ việc bán rau để trang trải các chi phí sinh hoạt khác.
Mặc dù chỉ có vỏn vẹn 160 m2 nhưng mô hình “Vườn rau của em” cũng đã giúp các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê cải thiện được phần nào nguồn thực phẩm. Cô Trịnh Thị Thu Đông-Tổng phụ trách Đội-cho biết: Do diện tích đất ít nên các em chọn trồng những loại rau nhanh cho thu hoạch như rau cúc, dền, rau cải các loại. Theo đó, vườn rau được chia thành 8 luống và giao cho mỗi lớp phụ trách 1-2 luống (toàn trường có 5 lớp với 150 học sinh). Kinh phí ban đầu do nhà trường đầu tư như hạt giống, lưới che và hệ thống béc tưới. Về phân bón, những học sinh có bố mẹ chăn nuôi heo, bò tự mang tới đóng góp. Cứ 3 giờ chiều thứ sáu hàng tuần, tất cả học sinh đều tập hợp lại để cải tạo đất, lên luống, trồng và chăm sóc vườn rau dưới sự hướng dẫn của giáo viên Tổng phụ trách Đội và Ban Chỉ huy Liên đội. Từ đó, thầy-cô giáo và các em học sinh đều có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về việc trồng, chăm sóc rau để có thực phẩm an toàn; đặc biệt là biết cải tạo đất kỹ để tránh sâu bệnh và tạo độ tơi xốp; không lên luống quá cao để tránh bị thất thoát nước ảnh hưởng sự phát triển của rau. Bên cạnh đó, hoạt động này đã giúp các em biết yêu lao động, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Học sinh Trường THPT Trường Chinh gói lá chuối bán rau cho khách để giảm sử dụng túi ni lông nhằm góp phần bảo vệ môi trường
Học sinh Trường THPT Trường Chinh gói lá chuối bán rau cho khách để giảm sử dụng túi ni lông nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thương
Cô Đông kể thêm: “Ngoài ra, số rau các em trồng còn được thầy-cô giáo trong trường mua nhằm tạo quỹ phục vụ các hoạt động chung, đóng góp một phần về Hội đồng Đội huyện nhằm chung tay thực hiện các công trình ý nghĩa như tặng quà hoặc làm tủ sách cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, các em rất phấn khởi khi tham gia hoạt động này”.
Ngoài Trường THPT Trường Chinh và Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, một số trường học trên địa bàn huyện cũng đã triển khai thành công mô hình này như Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Chị Trần Thị Thúy Anh-Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê-đánh giá: “Vào các dịp sơ kết, tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi hàng năm, Hội đồng Đội huyện đều chia sẻ các mô hình hay của phong trào “Kế hoạch nhỏ” để các trường chọn mô hình phù hợp, trong đó có mô hình “Vườn rau của em”. Mô hình đã rèn cho các em tính tiết kiệm, yêu lao động và biết chia sẻ với các bạn nghèo trong Liên đội. Năm học vừa rồi, Hội đồng Đội huyện cũng tổ chức cho các giáo viên Tổng phụ trách Đội giao lưu với Hội đồng Đội TP. Pleiku để học hỏi kinh nghiệm thực hiện các mô hình này”-chị Thúy Anh chia sẻ thêm. 
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm