Thành phố Pleiku: Khi học sinh tham gia bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tự nguyện tham gia dọn vệ sinh, thu gom, phân loại rác thải; bán các sản phẩm thân thiện với môi trường để kêu gọi mọi người nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần… là những việc làm thiết thực được nhiều nhóm học sinh thực hiện trong thời gian qua.
Biến rác thành... quà tặng
Cách đây 4 năm, đội xung kích bảo vệ môi trường của Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) được thành lập với mục đích “Biến rác thành quà tặng bạn nghèo”. Từ đó đến nay, các thành viên trong đội rất tích cực thu gom rác thải trong trường học rồi phân loại để bán lấy tiền mua quà tặng bạn học. Em Lê Ánh Diệu-Đội trưởng-cho biết: Đội hiện có 15 thành viên từ lớp 6 đến lớp 9. Sau mỗi buổi học, đội chia thành 5 nhóm thu gom rác thải theo từng khu vực và sau đó phân thành 2 loại gồm: rác thải tái chế và rác thải không thể tái chế. Theo đó, rác thải không thể tái chế được bỏ vào thùng rác của nhà trường, còn rác thải có thể tái chế được gom lại để bán lấy tiền mua áo trắng, sách vở và bút tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Việc này không có gì nặng nhọc nên em và các bạn luôn sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, qua hoạt động này, chúng em thấy rất phấn khởi vì không chỉ góp phần gìn giữ trường học sạch sẽ mà còn giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”-Diệu chia sẻ.
  Các thành viên đội xung kích bảo vệ môi trường của Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn,  TP. Pleiku) thu gom và phân loại rác thải để bán lấy tiền mua quà tặng bạn nghèo. Ảnh: H.T
Các thành viên đội xung kích bảo vệ môi trường của Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) thu gom và phân loại rác thải để bán lấy tiền mua quà tặng bạn nghèo. Ảnh: H.T
Là người trực tiếp thành lập đội xung kích bảo vệ môi trường, cô giáo Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Trước đây, sau mỗi buổi học, tôi lại thấy sân trường có tình trạng vương vãi các loại rác thải như giấy vụn, chai nhựa. Vì vậy, tôi đã vận động học sinh lớp mình chủ nhiệm tham gia nhặt rác và phân loại rác thải để bán lấy tiền mua quà tặng học sinh nghèo. Điều khiến tôi bất ngờ là học sinh các lớp khác cũng đăng ký vào đội và rất nhiệt tình tham gia thu gom, phân loại rác thải sau mỗi buổi học”. Nhờ đó, sân trường trở nên sạch sẽ hơn và mỗi năm đội cũng thu được khoản tiền 500-700 ngàn đồng từ bán phế liệu để mua quà tặng các em học sinh nghèo. Đặc biệt, mới đây, những phần quà thiết thực của đội đã kịp thời động viên 2 em có nguy cơ bỏ học là Huênh và Bănh (lớp 6.1) tiếp tục đến trường.
Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Viết Lâm-Hiệu trưởng nhà trường-cho rằng, việc làm của đội rất đáng hoan nghênh vì đã góp phần làm sạch môi trường sư phạm, bảo vệ môi trường và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Từ việc làm ý nghĩa này và để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhà trường đã bố trí thêm giỏ rác để mỗi lớp học đều có 2 giỏ phân loại rác thải. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động học sinh khi ăn sáng hạn chế sử dụng các sản phẩm khó phân hủy để đựng thức ăn như hộp xốp, túi ni lông, các chai nước nhựa bán sẵn. Nhờ đó, tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong học sinh được hạn chế và sân trường luôn được gìn giữ sạch sẽ.
“24 giờ sống xanh”
Khác với đội xung kích bảo vệ môi trường của Trường THCS Lê Lợi, nhóm học sinh Fly to Sky (TP. Pleiku) tham gia bảo vệ môi trường bằng chiến dịch “24 giờ sống xanh”. Theo đó, nhóm bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre, ống hút gạo, thủy tinh, hộp đựng cơm bằng lúa mạch, dây cói, bàn chải đánh răng bằng gỗ… Chiến dịch nhằm từng bước tạo dựng cho mọi người thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và hình thành làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng 1 lần.
“Ngoài mục đích bảo vệ môi trường, chiến dịch “24 giờ sống xanh” còn nhằm gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiện nguyện như tặng quà cho người nghèo, dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo, tàn tật, kém may mắn. Vì vậy, để đạt hiệu quả, ngoài kêu gọi trên trang faceboook của nhóm, các thành viên còn trực tiếp gặp gỡ để giới thiệu sản phẩm và thuyết phục khách hàng ủng hộ. Ngoài ra, nhóm cũng trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường về ý nghĩa của chiến dịch để được nhập sản phẩm với giá ưu đãi, từ đó hỗ trợ khách hàng với giá tốt nhất”-em Lê Văn Phúc-Trưởng nhóm-cho hay.
Tuy mới triển khai được hơn 1 tháng nhưng chiến dịch “24 giờ sống xanh” của nhóm đã bán được hơn 600 sản phẩm, thu về gần 20 triệu đồng, bao gồm 100 ống hút inox, 100 ống thủy tinh, 300 ống tre, 20 hộp đựng cơm bằng lúa mạch, 30 ly nước thủy tinh, 80 bàn chải đánh răng bằng gỗ. Anh Nguyễn Thế Đoàn-chủ quán EmDrink-Tea & More (28 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) chia sẻ: “Fly to Sky tuy là một nhóm học sinh còn trẻ nhưng đã làm tốt việc quảng bá các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Gia Lai, cung cấp được nhiều giải pháp thay thế đồ nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, quán đã ủng hộ nhóm bằng việc mua các sản phẩm như ống hút tre để thay thế ống hút nhựa và dây cói thay cho túi ni lông khi đựng thức uống cho khách mang đi. Tới đây, quán sẽ tiếp tục ủng hộ nhóm bằng việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và mong có thêm nhiều người hưởng ứng việc làm thiết thực này”.
 HỒNG THƯƠNG
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm