Krông Pa phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tập trung phát triển mô hình nông hội, tổ hội và chi hội nghề nghiệp để liên kết nông dân có chung ngành nghề sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cuối năm 2021, Nông hội trồng lúa nước chất lượng cao buôn Thành Công (xã Chư Drăng) được thành lập với 11 thành viên. Ông Rcom Soan-Chủ nhiệm Nông hội-cho hay: Từ khi thành lập đến nay, Nông hội đã kết nối những hộ dân canh tác lúa nước để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. “Với phương châm “người biết nhiều chỉ người biết ít, người biết ít chỉ người không biết”, hàng tháng, Nông hội tổ chức sinh hoạt để các thành viên có cơ hội gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, nhất là cách phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa”-ông Soan nói.

Còn ông Rcom Kich (buôn Chư Krih, xã Chư Drăng) thì chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3 sào lúa nước. Trước đây, tôi gieo sạ dày lại không đúng lịch thời vụ nên năng suất chỉ đạt 3-4 bao/sào. Từ ngày vào Nông hội, tôi được mọi người hướng dẫn sử dụng giống mới, gieo sạ đúng lịch thời vụ, bón phân đúng thời điểm và cách phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất mỗi sào đạt 6-7 bao”.

  Các thành viên Nông hội trồng lúa nước chất lượng cao buôn Thành Công (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc lúa. Ảnh: Gia Hu7ng
Các thành viên Nông hội trồng lúa nước chất lượng cao buôn Thành Công (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc lúa. Ảnh: Gia Hưng



Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Drăng: Thời gian qua, Nông hội trồng lúa nước chất lượng cao buôn Thành Công đã phối hợp với chính quyền địa phương và kết nối với cơ quan chuyên môn của huyện để hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, Nông hội liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất...

Tại xã Krông Năng, Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê buôn Ia HLy cũng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên. Ông Ksor Y Về-Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê buôn Ia HLy-cho hay: Trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Khi tham gia Tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê, các thành viên được định hướng, tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung phát triển chăn nuôi. “Các thành viên đều là những người cùng sở thích nên trong quá trình chăn nuôi đã phát huy được tính cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Từ 10 con dê giống ban đầu, Tổ đã bán được 30 con dê thu về hơn 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ tiếp tục đưa vào quỹ và cho các thành viên vay xoay vòng để phát triển kinh tế”-ông Về chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Nhung-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: Đến nay, huyện đã thành lập được 6 nông hội gồm: Nông hội mía-mì thị trấn Phú Túc; Nông hội mì xã Ia Mlah; Nông hội điều-mì thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm; Nông hội điều thôn An Bình, xã Uar; Nông hội trồng lúa nước chất lượng cao buôn Thành Công, xã Chư Drăng; Nông hội thuốc lá nâu xã Phú Cần với 194 thành viên. Bên cạnh đó, toàn huyện có 23 tổ hội và 3 chi hội nghề nghiệp với 351 thành viên. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp không chỉ giúp hội viên thay đổi phương thức sản xuất mà còn tập hợp và hướng thành viên cùng làm một ngành nghề vào chung một nhóm để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, góp phần phát triển kinh tế hộ. Mặt khác, mô hình tổ nghề nghiệp còn mở ra hướng xây dựng các mô hình tập thể, hình thức tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, góp phần tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với P.V, ông Kpă Ngun-Phó Bí thư Huyện ủy-cho hay: “Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tập huấn nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã, nông hội, tổ hội, chi hội nghề nghiệp sau khi thành lập để hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thành lập các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, trình độ canh tác của nông dân và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện”.

 

 GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.