Nông dân Ayun Pa cải thiện thu nhập nhờ các chi, tổ hội nghề nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, Hội Nông dân thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã thành lập 19 tổ hội và 2 chi hội. Các mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tạo liên kết sản xuất

Cách đây gần 20 năm, ông Nguyễn Trọng Pho (tổ 3, phường Sông Bờ) khởi nghiệp bằng nghề nấu rượu và chăn nuôi heo thịt. Nhờ có bã rượu nên ông tiết kiệm chi phí thức ăn mà đàn heo lớn nhanh, tăng sức đề kháng. Thấy ông khấm khá dần từ chăn nuôi, nhiều hộ trong tổ dân phố tham khảo kinh nghiệm, học tập làm theo. Năm 2021, Hội Nông dân phường Sông Bờ thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi heo với 22 thành viên. Chi hội hoạt động theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi).

 Hội Nông dân thị xã Ayun Pa giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi heo phường Sông Bờ. Ảnh: Vũ Chi
Hội Nông dân thị xã Ayun Pa giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi heo phường Sông Bờ. Ảnh: Vũ Chi


Theo ông Đặng Thái Sơn-Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi heo phường Sông Bờ, sau khi thành lập, các thành viên sinh hoạt 1 lần/tháng, hỗ trợ nhau kinh nghiệm sản xuất, giới thiệu đầu mối nhập thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế. Trong Chi hội, hộ nuôi ít nhất 20-30 con heo, nhiều đến gần 100 con. Các hộ đều làm hầm biogas để tận dụng khí thải đun nấu và đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh thường xuyên, Hội Nông dân thị xã đã giải ngân nguồn vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã cho 10 hộ và 600 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh cho 12 hộ chăn nuôi heo tổ dân phố 1, 3 và 4 giúp các hộ chăn nuôi trong tổ hội đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Pho chia sẻ: “Sau dịch tả heo châu Phi năm 2019, tôi cùng nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề. Đàn heo 70 con của gia đình chết hết không còn con nào. Nhờ 80 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã và tỉnh, tôi mạnh dạn tái đàn trở lại. Hiện tôi duy trì thường xuyên 50 con heo thịt, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa với tổng trọng lượng khoảng 5 tấn. Với giá heo thịt trung bình 60.000 đồng/kg, tôi lãi trên 300 triệu đồng/năm”.

Tương tự, Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nếp phường Hòa Bình được thành lập năm 2019 có 19 hộ tham gia với diện tích 19 ha. Sau 3 năm thành lập, Tổ hội tăng lên 29 hộ với hơn 30 ha. Anh Ngô Văn Thuận-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nếp-cho biết: Ngay sau khi thành lập, 19 thành viên được hỗ trợ gần 123 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ để đầu tư sản xuất, được tham gia hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc giúp tăng năng suất cây trồng. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, liên kết giới thiệu đầu mối tiêu thụ nên tránh bị thương lái ép giá.

Nâng cao hiệu quả

Phường Sông Bờ hiện có 4 tổ hội và 1 chi hội nghề nghiệp với hơn 80 thành viên, chủ yếu tập trung chăn nuôi heo, gà, dê và trồng lúa nước. Bà Huỳnh Thị Mộng Vân-Chủ tịch Hội Nông dân phường-cho hay: Đối với người nông dân, việc tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp giúp tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác mới, qua đó dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ trước đây sang sản xuất theo hướng liên kết, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đi vào hoạt động trở thành cầu nối giữa Ban Chấp hành với hội viên, nông dân, từ đó thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Trên cơ sở các chi-tổ hội được thành lập, Hội Nông dân phường thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình hiệu quả để hội viên tích lũy kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Trên cơ sở khảo sát, thời gian tới, Hội Nông dân phường dự kiến thành lập Tổ hội chăn nuôi ốc bươu đen.

Ông Nguyễn Trọng Pho (tổ 3, phường Sông Bờ) tái đàn heo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Vũ Chi
Ông Nguyễn Trọng Pho (tổ 3, phường Sông Bờ) tái đàn heo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Vũ Chi


Theo ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa: Các chi hội, tổ hội hoạt động dựa trên nguyên tắc tự quản theo Nghị quyết số 04 của Trung ương Hội, tập trung vào các mô hình nuôi hươu lấy nhung, trồng bắp ngọt, nuôi gà thả vườn, nuôi heo lấy thịt, chăn nuôi bò, trồng lúa chất lượng cao… Nhằm tạo điều kiện cho các chi-tổ hội phát huy hiệu quả, 4 năm qua, Hội Nông dân thị xã huy động nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho các thành viên đầu tư cây-con giống, tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ.

“Với đặc điểm địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các xã, phường lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp; qua đó, mang lại hiệu quả kép vừa giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, vừa xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở ngày càng vững mạnh”-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã nhấn mạnh.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.