Nguyễn Thông: Người tiên phong đề xuất khai thác vùng đất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Thông hiệu là Kỳ Xuyên, tự  Hy Phần, sinh năm 1827, quê ở làng Bình Thạnh, tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An). Năm 1849, ông thi đỗ cử nhân đồng khoa với Phan Văn Trị. Năm 1851, ông đi thi hội nhưng trượt, được bổ chức Huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang. Từ đó, ông được triều đình nhà Nguyễn lần lượt bổ dụng qua các chức: Đốc học Vĩnh Long, Án sát Khánh Hòa, Thự bố chánh tỉnh Quảng Ngãi, Tư nghiệp Quốc Tử Giám… 
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Thông có mấy sự kiện đáng chú ý: Năm 1859, khi giặc Pháp chiếm Gia Định, ông về Nam tòng quân đánh giặc dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Hiệp. Năm 1867, khi giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, ông đã cùng Phan Thanh Giản cải táng Xử sĩ Võ Trường Toản về Ba Tri để mộ cụ “khỏi nằm trong đất giặc”… Năm 1871, khi đang giữ chức Bố chánh Quảng Ngãi, ông bị triều đình kết tội xử án sơ suất lại thêm đồng liêu vu cáo nên bị cách chức, bắt giam và bị xử trượng (đánh roi). Nhờ bạn bè, nhất là nhân dân Quảng Ngãi hết sức minh oan mới được giảm tội.
Sử chép: “Bấy giờ hạt Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, Thông làm tại chức được hơn 1 năm, đào ngòi đào cừ, đắp đập, dẹp yên tệ lại nhũng, trấn áp bọn cường hào, dân được dễ chịu. Nhưng công việc chưa xong, thời liền bị có án mạng, tội nặng đem xử nhẹ, bị phạt ly chức. Dân được tin khác nào bị mất cha mẹ. Gặp lúc khâm sai Nguyễn Bính nhân có việc công đi qua, họ bèn kêu xin giữ Thông lại để làm cho xong công việc…”. Năm 1878, do bị bệnh, ông xin về nghỉ ở thôn Vĩnh Hòa thuộc thị xã Phan Thiết. Thời gian này, ông  đã cùng các quan lại địa phương giải quyết có hiệu quả việc tranh chấp giữa người Kinh và người Thượng, lập ra nhà học Ngọa du sào. Ông mất năm 1884, thọ 57 tuổi…
Chân dung Nguyễn Thông (ảnh tư liệu).
Chân dung Nguyễn Thông (ảnh tư liệu).
Tuy chỉ đậu cử nhân nhưng Nguyễn Thông-như Đại Nam liệt truyện đánh giá: “Là người học hỏi sâu rộng, tâu bàn rất có kiến thức, các quan trong triều đều coi là bậc kỳ tài”, ông từng đề xuất nhiều kế sách về chính trị-xã hội và đã được triều đình thực hiện. Qua các tác phẩm để lại cho đời như “Việt sử thông giám khảo lược”, “Ngọa du sào thi văn tập”, “Kỳ xuyên văn sao” còn chứng tỏ ông đồng thời là nhà sử học, nhà thơ nồng nàn tinh thần yêu nước. Trong sự nghiệp của Nguyễn Thông, ngoài những công việc ông làm để phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất Quảng Ngãi, ta còn thấy ý tưởng về khai thác vùng đất Tây Nguyên-một ý tưởng hết sức mới mẻ, đáng để cho hậu thế hôm nay ngưỡng vọng.
Có thể khẳng định rằng trước Nguyễn Thông chưa ai nhìn thấy vị trí của Tây Nguyên bằng cặp mắt chiến lược như ông. Nguyễn Thông không những thấy được vị trí quan trọng của Tây Nguyên về quân sự mà còn nhìn thấy tiềm năng kinh tế giàu có của vùng đất lúc bấy giờ còn rất hoang vu, ít người biết tới này. Trong bài “Bàn về việc mở mang vùng thượng du” ông viết: “Đất ở đây mầu mỡ, vật sản núi chằm rất nhiều, không có bãi xa truông rậm, không bị đầm lớn, sông dài chia cắt. Từ xưa tới nay bờ cõi hoang vu, trời đất đang dành cho ta một kho tàng vô tận…” . Và ông đề xuất ý tưởng khai thác: “Nay ta nên sở hữu đất ấy, mở rộng cương vực, cày lấy ruộng ấy để có thêm nhiều lương thực, vật sản núi rừng mà làm giàu cho nước; lấy cái thừa bù vào cái thiếu, quả thật là không có kế sách nào tiện lợi hơn…”.
Cùng với việc trình bày, mô tả vùng đất Tây Nguyên từ sông suối, sản vật tự nhiên đến phong tục, tập quán của các dân tộc, chứng tỏ Nguyễn Thông là người rất am hiểu vùng đất Tây Nguyên và cũng có thể coi ông là nhà “dân tộc học” đầu tiên của vùng đất này. Đáng tiếc, những kế sách của ông dù đã được triều đình chấp thuận nhưng do thực dân Pháp cản trở nên cuối cùng đã không được thi hành. Dù vậy, sau một thế kỷ rưỡi đã trôi qua thì tầm nhìn của Nguyễn Thông về vùng đất Tây Nguyên vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Nên chăng các phố thị ở Tây Nguyên nên có một con đường mang tên ông, để không những lưu danh một chí sĩ yêu nước mà còn ghi nhớ một con người đã để lại tầm nhìn chiến lược về một vùng đất cho hậu thế.
NGỌC TẤN
 
 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.