Vùng biên khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, tỉnh Gia Lai có 2 xã biên giới gồm Ia Dom, Ia Nan (huyện Đức Cơ) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và xã Ia O (huyện Ia Grai) đang chờ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của UBND tỉnh. Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo các xã biên giới có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên.   

Dấu ấn nông thôn mới

Năm 2015, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Bí thư Đảng ủy xã Hồ Đình Kỳ cho biết: Ngay từ đầu triển khai xây dựng NTM, xã đã chủ động rà soát công tác quy hoạch và xác định cụ thể từng nhiệm vụ cho từng năm. Việc nào dễ, chưa cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì làm trước. Xã phân công các Đảng ủy viên, Mặt trận, hội đoàn thể phụ trách từng thôn, làng để tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nhắc nhở triển khai hoàn thiện các tiêu chí NTM. Đặc biệt là hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang cây công nghiệp dài ngày, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, điều, cao su. Hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất, đa dạng cây trồng để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

“Trong xây dựng NTM, người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chung tay đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công và hiến đất để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch. Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, không còn hộ dân phải ở nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 7/7 thôn, làng đạt chuẩn NTM”-ông Kỳ thông tin.

Người dân xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông thu hoạch lúa nước Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Gia Hưng
Người dân xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2021-2022. Ảnh: Gia Hưng


Tương tự, xã Ia Nan có 9 thôn, làng với 1.927 hộ (dân tộc thiểu số chiếm 30,9%) với hơn 8.000 khẩu. Đến với Ia Nan hôm nay, chúng ta dễ dàng thấy được sự đổi thay rõ nét. Những con đường đất lầy lội vào mùa mưa được thay bằng những tuyến đường trải nhựa, bê tông phẳng lì, giúp người dân đi lại, giao thương thuận tiện. Thu nhập bình quân đạt 41,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,72% (năm 2015) xuống còn 2,38% (năm 2020). “Năm 2021, xã Ia Nan được công nhận NTM. Kết quả này là nhờ sự quan tâm rất lớn của các ngành, các cấp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đồng thời, xã cũng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM như: tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, ứng dụng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập”-Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Thanh chia sẻ.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến cuối năm 2021, xã Ia O (huyện Ia Grai) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Xã có 2.677 hộ với trên 11.132 nhân khẩu cư trú tại 9 làng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh và huyện, xã đã hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng quỹ hội để giúp nhau thoát nghèo. “Từ 995 hộ nghèo (chiếm 43,62%) năm 2011 đã giảm xuống còn 75 hộ (chiếm 2,8%) năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,5 triệu đồng (năm 2011) lên 42,1 triệu đồng (năm 2021). Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cũng được đầu tư, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở... tạo diện mạo mới cho xã, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”-ông Nghiệp phấn khởi nói.

Phát huy nội lực trong dân

Đến nay, xã Ia Chía (huyện Ia Grai) đã đạt được 14/19 tiêu chí NTM và có 6/10 làng đạt chuẩn NTM. Để về đích vào cuối năm 2023, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực từng ngày chung tay xây dựng NTM. Ông Rơ Mah Chuêch (làng Kom Yố) cho biết: Khi làng, xã làm đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã hiến hơn 50 m2 đất, tự tháo dỡ, di dời hàng rào vào hơn 1 m để mở đường, góp ngày công lao động.

Ông Nguyễn Văn Lựu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chía-cho hay: Trong năm nay, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí (y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) và có thêm làng Nú đạt chuẩn NTM để tạo tiền đề cho năm 2023 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức xã tham gia các lớp bồi dưỡng để chuẩn hóa theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Một góc xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Gia Hưng
Một góc xã Ia Nan (huyện Đức Cơ). Ảnh: Gia Hưng


Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai: Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên việc xây dựng NTM tại các xã biên giới đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực biên giới cơ bản được đảm bảo, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở, cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, tạo diện mạo mới cho khu vực biên giới của huyện.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thì cho hay: Trên địa bàn huyện có 3 xã biên giới gồm: Ia Nan, Ia Dom và Ia Pnôn. Đến nay, 2 xã Ia Nan, Ia Dom đạt chuẩn NTM và có 8 làng đạt chuẩn NTM. “Thời gian tới, huyện thường xuyên rà soát, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng xã, thôn, làng đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, huyện làm việc với một số doanh nghiệp lớn để tạo ra các chuỗi liên kết, đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân. Ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ cho các xã biên giới tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí để xây dựng NTM bền vững”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm.

 

GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.