Đổi thay ở Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, diện mạo xã vùng sâu Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đổi thay tích cực. 
Hà Đông là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa với gần 100% hộ đồng bào Bahnar sinh sống từ bao đời nay. Trước năm 2000, người dân trong xã chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, sử dụng giống lúa cũ và phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên chỉ sản xuất được 1 vụ. Do đó, hiệu quả sản xuất không cao, chủ yếu tự cung tự cấp. Xã Hà Đông cách trung tâm huyện khoảng 55 km, giao thông đi lại không thuận lợi, vào mùa mưa, xã gần như biệt lập với bên ngoài.
Ông Đinh Đăm (làng Kon Sơ Nglok) cho biết: Ngày trước, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, đói nghèo đeo bám quanh năm. Những năm vừa qua, nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm ngày càng hoàn thiện. Người dân được tiếp cận các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. 
Một góc trung tâm xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Diệp
Một góc trung tâm xã Hà Đông hôm nay. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn ông Hnhraoh-già làng Kon Pơ Dram, nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Đông thì chia sẻ: Năm 2013, từ nguồn đầu tư của Nhà nước, tuyến đường huyết mạch từ ngã ba xã Đak Sơ Mei đi trung tâm xã Hà Đông được đầu tư xây dựng mang lại niềm vui lớn cho người dân. Con đường không chỉ rút ngắn khoảng cách đi lại mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế khi các sản phẩm nông nghiệp của người dân được thu mua, vận chuyển thuận lợi, không còn bị ép giá. 
“Hiện nay, cuộc sống của người dân xã Hà Đông ngày một ổn định, khấm khá. Không chỉ trồng lúa, mì, nhiều hộ còn đăng ký trồng keo lai, bời lời và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, một số hộ đã tiên phong liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng. Học sinh đến trường đúng độ tuổi, người dân được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay tích cực”-ông Hnhraoh phấn khởi nói.
Đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt hơn 11 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Nhiều hộ vươn lên làm giàu trên quê hương mình.
Cầu Kon Ma Ha được Nhà nước đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cầu Kon Ma Ha được nhà nước đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Cam-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-cho hay: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, người dân đã sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Từ khi tuyến đường chính vào trung tâm xã cùng hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng hoàn thiện, bà con đi lại, giao thương thuận lợi hơn. Người dân cũng đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; các chính sách về y tế, giáo dục... được triển khai kịp thời.
“Trong nhiệm kỳ 2020-2025, xã đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung bố trí sắp xếp dân cư hợp lý. Đồng thời, xã tiếp tục vận động người dân canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế như: cà phê, hồ tiêu, dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập”-ông Cam cho biết thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.