Thoát nghèo bền vững nhờ tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều hộ có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện Đức Cơ có trên 3.450 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, chiếm 84% tổng số hộ nghèo của huyện. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao là do thiếu vốn sản xuất. Vì thế, một trong những giải pháp căn cơ được huyện chú trọng triển khai trong những năm qua là đẩy mạnh nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân nhằm giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đây, vợ chồng chị Kpuih H’Đel (làng Pơ Núk, xã Ia Kriêng) được bố mẹ cho hơn 2 ha đất để canh tác. Do không có vốn đầu tư nên sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Năm 2016, gia đình chị được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng mua cây giống trồng 7 sào cà phê, 1,3 ha điều và xen canh bắp, đậu các loại. Nhờ được đầu tư chăm sóc nên vườn cà phê, điều phát triển tốt, cho năng suất cao. “Năm 2020, gia đình thu về gần 100 triệu đồng từ bán cà phê và điều. Không những thoát nghèo, trả nợ ngân hàng mà mình còn có vốn tái đầu tư cũng như nuôi 3 con ăn học”-chị H’Đel phấn khởi.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ tham quan vườn cà phê của gia đình chị Kpuih H’Đel. Ảnh: Quang Tấn
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ tham quan vườn cà phê của gia đình chị Kpuih H’Đel. Ảnh: Quang Tấn
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Đinh H’Nhi (làng Pơ Núk, xã Ia Kriêng) có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị H’Nhi vui vẻ nói: “Trước đây, cuộc sống của vợ chồng mình khó khăn lắm. Mặc dù bố mẹ cho gần 1 ha cà phê nhưng không có vốn mua phân bón nên năng suất vườn cây đạt rất thấp. Năm 2018, được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, mình mua phân bón cho vườn cà phê, đồng thời học tập kỹ thuật chăm sóc của người Kinh nên năng suất vườn cây cải thiện đáng kể. Năm 2020, mình thu được gần 4 tấn cà phê nhân, lãi hơn 80 triệu đồng”.
Theo ông Trương Trọng Tuấn-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, toàn huyện có trên 3.450 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, nguồn vốn tập trung vào 3 chương trình là cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng dư nợ gần 140 tỷ đồng, chiếm trên 41% tổng dư nợ. Nhờ đó, bà con có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo chợ Pleiku

Độc đáo chợ Pleiku

(GLO)- Chợ là nơi thể hiện đặc trưng văn hóa và nếp sinh hoạt của cộng đồng. Nét đặc thù của từng vùng đã hình thành nên những khu chợ độc đáo mà khi nhắc đến tên, người nghe đã hình dung ra những riêng biệt của nó. Ở phố núi Pleiku cũng có những khu chợ đặc biệt như vậy.