"Cổng trường an toàn giao thông": Hiệu quả, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù mới triển khai song mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Trước đây, đầu giờ hoặc khi tan học, cảnh ùn tắc, mất an toàn giao thông (ATGT) trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thường xuyên diễn ra. Do nằm trên quốc lộ 25, học sinh đông, đa phần phụ huynh đưa đón con bằng xe máy, dừng đỗ xe dưới lòng đường, đi ngược chiều, mua đồ ăn vặt cho con… dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen lấn trước cổng trường. Đã có một vài trường hợp va chạm giao thông xảy ra ngay trước cổng trường do thiếu quan sát. Xuất phát từ thực tế đó, mô hình “Cổng trường ATGT” đã được nhà trường triển khai thí điểm từ đầu năm học 2021-2022 nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, phụ huynh, hạn chế ách tắc giao thông khu vực cổng trường.
Cô Nguyễn Thị Hồng Những-giáo viên Tổng phụ trách Đội-cho hay: Với số lượng học sinh tương đối đông, khi triển khai mô hình, Liên Đội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt từ phía phụ huynh. Để mô hình đi vào thực chất, Liên Đội thành lập đội xung kích ATGT với nòng cốt là giáo viên và các em học sinh trong đội cờ đỏ của trường. 15 phút trước giờ vào lớp và tan trường, đội xung kích có mặt ở cổng trường để hướng dẫn, nhắc nhở phụ huynh dừng đỗ xe ngay ngắn, đúng vị trí, nhắc nhở các bạn học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không tụ tập trước cổng trường, khi ra về theo hàng lối ra tận cổng trường, không chen chúc, xô đẩy nhau. Bên cạnh đó, Liên Đội thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa về ATGT, lồng ghép tuyên truyền trong tiết chào cờ đầu tuần. Nhờ vậy, các em học sinh dần hình thành ý thức kỷ luật, thói quen tốt.
“Liên Đội cùng giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn giao thông. Với những trường hợp vi phạm, Liên đội lập danh sách cùng giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở trong các tiết chào cờ đầu tuần tại lớp để các em rút kinh nghiệm, chia sẻ để cha mẹ thực hiện theo. Bằng cách “mưa dầm thấm lâu”, mô hình đã tạo sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh cũng như phụ huynh”-cô Những chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi xếp thành hàng ra về. Ảnh: Vũ Chi
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi xếp thành hàng ra về. Ảnh: Vũ Chi
Em Ksor H’Nương-học sinh lớp 5C-bộc bạch: “Bây giờ, chúng em đã quen quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xếp hàng ra về ngay ngắn sau khi tan học, không tụ tập trước cổng trường, không dàn hàng ngang trên đường và đi đúng phần đường quy định. Về nhà, em báo lại để cha mẹ tham gia giao thông đúng quy định”.
Có mặt tại khu vực cổng trường vào giờ tan học, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi phụ huynh đưa đón học sinh đã dừng đỗ xe máy, xe đạp gọn gàng 2 bên cổng trường. Học sinh xếp thành hàng dọc đi về phía cổng trường theo trật tự. Các bạn đi xe đạp cũng nối thành hàng khi ra về. Chị Ksor H’Jưn-phụ huynh học sinh-chia sẻ: “Trước đây, tình trạng lộn xộn khu vực cổng trường khiến chúng tôi rất lo lắng. Từ khi trường triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, phụ huynh và học sinh đều nâng cao ý thức, các cháu xếp hàng ngay ngắn từ cửa lớp ra đến cổng trường, không chen lấn, xô đẩy; phụ huynh đỗ xe đúng vị trí quy định, không gây mất ATGT nên chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”.
Cô Lê Thị Tám-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Cổng trường nằm bên lề quốc lộ 25, mật độ phương tiện giao thông qua lại rất lớn. Vì vậy, việc triển khai mô hình “Cổng trường ATGT” là rất cần thiết. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã chia giờ tan học theo từng khối lớp để giảm tình trạng ùn tắc giao thông cũng như đảm bảo yêu cầu phòng-chống dịch Covid-19. Quá trình thực hiện mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức của các bậc phụ huynh và học sinh. Cơ bản mọi người đều chấp hành quy định đảm bảo ATGT trong quá trình đưa đón con em tại cổng trường, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông giờ tan trường, tạo môi trường sư phạm an toàn, văn minh, thân thiện.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.