Chợ hoa xuân Pleiku lượng hàng giảm, sức mua không tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, các nhà vườn và cơ sở kinh doanh đã tập trung hoa, cây cảnh về các chợ hoa Xuân Nhâm Dần trên địa bàn TP. Pleiku để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân. Theo ghi nhận của P.V, lượng hoa năm nay giảm đáng kể nhưng sức mua không tăng so với năm trước.

Lượng hàng nhập về giảm một nửa

Theo quan sát của P.V, năm nay, chủng loại hoa, cây cảnh phục vụ Tết không phong phú bằng mọi năm. Chủ yếu vẫn là một số loại được ưa chuộng như hoa cúc được nhập từ các nhà vườn trong tỉnh và Phú Yên, mai bonsai từ Bình Định, hoa đào từ Hải Dương, hoa giấy từ Sa Đéc, hoa lan từ Đà Lạt, cây quất từ Hội An… Do dự báo sức mua giảm mạnh nên các hộ kinh doanh chỉ dám nhập với số lượng hàng cầm chừng.

Chị Lê Thị Thúy Hương-người bán cúc tại chợ hoa đường Nguyễn Văn Cừ (phường Ia Kring) cho biết: “Năm nay, tôi chỉ nhập 300 chậu cúc, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Do lo ngại dịch bệnh nên nhà vườn không dám trồng số lượng lớn. Đến thời điểm này, tất cả các nhà vườn trồng hoa cúc trên địa bàn tỉnh gần như không còn hàng”.

 Người dân tham quan chợ hoa đường Hoàng Đạo Thúy (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Người dân tham quan chợ hoa đường Hoàng Đạo Thúy (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hiền-người kinh doanh mai bonsai tại chợ hoa đường Hoàng Đạo Thúy (phường Tây Sơn) thì cho hay: “Mặc dù đã ra lô được 3 ngày nhưng hầu hết chỉ thấy người đi xem nhiều chứ chưa ai mua. Tôi cũng đi khảo sát ở những điểm chợ hoa khác thì thấy năm nay đa phần mai được nhập từ Bình Định, nụ nhiều rất đẹp, giá tương đối ổn định. Lượng người bán mai cũng ít nên hy vọng những ngày tới sẽ tiêu thụ được hàng”.

Không chỉ hoa cúc, hoa mai mà một số loại khác như: quất, đào, lan… cũng được người bán giảm đến 50% số lượng nhập về. Mặc dù chợ hoa đường Nguyễn Văn Cừ có 154 lô nhưng đến nay chỉ có gần 80 lô đang bày bán. Tại chợ hoa khu vực suối Hội Phú (phường Hội Thương) thì càng ít hơn khi chỉ có vài chục lô bày bán trong số gần 100 lô dự kiến. Còn chợ hoa đường Hoàng Đạo Thúy được bố trí nhiều nhất với 450 lô nhưng đến nay cũng chỉ hơn một nửa số lô bày bán.

  Người dân tham quan chợ hoa khu vực suối Hội Phú (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: Hồ Anh Tiến
Người dân tham quan chợ hoa khu vực suối Hội Phú (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: Hồ Anh Tiến


Giá bán tăng 10-30%

Năm nay, do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu nhập trong dân nên các nhà vườn không dám trồng nhiều. Vì nguồn cung ít nên giá bán tăng 10-30%. Theo chị Ngô Thị Giang-người kinh doanh hoa cúc tại chợ hoa đường Hoàng Đạo Thúy, mặt hàng hoa cúc khan hiếm, giá nhập vào tăng khoảng 10-15% so với năm trước. Theo các nhà vườn, do giá vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu tăng rất mạnh nên đã đẩy giá bán tăng lên. Mặt khác, lượng hoa trong tỉnh năm nay trồng rất ít nên nhiều người không đặt được hàng, trong khi giá cước vận chuyển từ Phú Yên lên Gia Lai tăng mạnh.

Năm nay, do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu nhập trong dân nên các nhà vườn không dám trồng nhiều. Ảnh
Các nhà vườn, hộ kinh doanh hy vọng chợ hoa sẽ nhộn nhịp hơn trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Hồ Anh Tiến


Hiện tại, cúc đại đóa có giá quanh mức 1 triệu đồng/chậu, cúc pha lê nhỏ 350-450 ngàn đồng/chậu, chậu lớn giá 700 ngàn-1,5 triệu đồng. Năm nay cũng ghi nhận mức giá tăng khá cao đối với mặt hàng quất cảnh, hoa đào. Chị Nguyễn Hoa Khả Tú-người kinh doanh hoa tại đường Nguyễn Văn Cừ-chia sẻ: “Tôi thuê 6 lô gần 200 m2 với giá hơn 10 triệu đồng để bán quất cảnh. Do lo ngại ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức mua sẽ giảm nên tôi chỉ nhập 120 cây quất lớn, giảm một nửa so với năm trước”. Theo chị Tú, hiện tại, nguồn cung quất cảnh tại Hội An đã hết hàng. Chính vì nguồn cung hạn chế nên giá đã tăng đến 30%, dao động 1,2-3,5 triệu đồng/cây. Còn chị Nguyễn Thị Phương Anh thì cho hay: Năm nay, chị nhập 600 cây đào từ Hải Dương về bán phục vụ Tết. Hiện tại, giá bán dao động từ 400 ngàn đồng đến 1,7 triệu đồng/cây tùy kích cỡ.

Bên cạnh việc đôn đốc các hộ kinh doanh nhập hàng về bán, công tác bảo đảm an ninh trật tự, tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương và người dân đến tham quan, mua sắm thực hiện nghiêm quy định phòng-chống dịch Covid-19 được chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên; đồng thời, cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với tiểu thương. Ông Phan Phi Hải-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring-cho biết: Ủy ban nhân dân phường tổ chức mặt bằng chợ hoa với 154 lô cho người dân mua bán. Nếu các hộ không mua được hoa hoặc mua không đủ số lượng hoa bày bán thì phường sẽ hoàn lại tiền các lô đã đăng ký trước đó. Hiện tại, dù diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, song nhịp sống bình thường mới đang dần trở lại, các nhà vườn, hộ kinh doanh cũng kỳ vọng chợ hoa sẽ nhộn nhịp hơn trong những ngày giáp Tết.

 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.