Chư Á đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, xã Chư Á (TP. Pleiku) luôn đi đầu triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Với thành tích nổi bật, xã vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020”.
 

Các cá nhân của xã Chư Á được Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Thanh Nhật
Các cá nhân của xã Chư Á được Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Thanh Nhật


Một trong những kết quả tiêu biểu đó là Đảng ủy xã Chư Á quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Ông Đinh Ứt-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: “Đảng bộ xã Chư Á có gần 130 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ. Đảng ủy đã chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ, quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều có kế hoạch phấn đấu rèn luyện làm cơ sở đánh giá nhận xét, phân loại dịp cuối năm. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tiến hành theo đúng quy định. Mặt khác, Đảng ủy xã chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, xã Chư Á phát động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể cán bộ và Nhân dân chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Xã có 14 thôn, làng, trong đó có 10 làng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 75%. Nhiều năm qua, UBND xã tập trung các giải pháp giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại các làng trên địa bàn, thiết thực góp phần vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.

Trong phát triển kinh tế, UBND xã quan tâm hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị khô hạn sang trồng 65 ha bắp, hoa, rau màu các loại. Đồng thời, xã giải ngân kinh phí tổ chức nạo vét hệ thống dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất ở các cánh đồng. Xã còn thường xuyên phối hợp cùng ban ngành của thành phố triển khai chương trình khuyến nông với mô hình tái canh cà phê cho 127 hộ, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng; mô hình trồng giống bắp chịu hạn và mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng...

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai tích cực. Năm 2017, xã Chư Á được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, làng Wâu cũng đã được công nhận làng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm nay, xã tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở làng Chuét Ngol và làng Do Guah, phấn đấu làng Chuét Ngol đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á là điển hình trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hội đã hướng dẫn các chi hội vận động hội viên đào 135 hố rác tự hoại, di dời 36 chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà ở, xây dựng 95 nhà tiêu hợp vệ sinh, hơn 50 hộ tham gia mô hình “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái”. Đồng thời, Hội vận động hàng trăm lượt chị em góp ngày công làm đường bê tông, ra quân hơn 40 đợt phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình “Hàng rào xanh” được 4.680 m với 556 hộ tham gia, mô hình “Con đường hoa” được 5.100 m với gần 700 hộ thực hiện, duy trì 14 đoạn đường giao thông nông thôn phụ nữ tự quản.

Bộ mặt nông thôn mới xã Chư Á.  Ảnh: Thanh Nhật
Bộ mặt nông thôn xã Chư Á ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Nhật


Đặc biệt, nhằm giúp hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, tiết kiệm chi tiêu để vươn lên thoát nghèo, Hội vận động thành lập mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến 10 triệu đồng”. Qua đó, hội viên phụ nữ đã có điều kiện mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình, làm nhà vệ sinh, mua phân bón, cây giống, trang trải chi phí học tập cho con em. Bên cạnh đó, Hội còn vận động cán bộ, hội viên quyên góp xây dựng “Quỹ đồng hành cùng phụ nữ nghèo” để hỗ trợ cây giống, con giống giúp chị em sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở, thăm hỏi lúc khó khăn hoạn nạn. Giai đoạn 2016-2021, Hội tín chấp cho hơn 450 hộ tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ gần 11 tỷ đồng giúp hội viên khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thu Hương thông tin: “Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, 100% tuyến đường chính ở các thôn, làng và trên 75% tuyến đường nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 41 triệu đồng/năm”.

 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.