Sức sống mới ở O Pếch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, đến nay, O Pếch đã trở thành ngôi làng giàu nhất xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) với gần một nửa số hộ có thu nhập 200 triệu đồng/năm trở lên.

Theo lời già làng Rơ Lan Eo, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, O Pếch là căn cứ cách mạng. Mỗi tấc đất, ngọn cây đều thấm đẫm mồ hôi và cả máu của người dân. Trước bom đạn của kẻ thù, dân làng vẫn kiên cường bám trụ, giữ làng, giữ đất. “Có lần, địch thẳng tay bắn chết một phụ nữ, rồi kéo lê đi khắp làng hòng bóp chết tinh thần đấu tranh của dân làng. Tuy nhiên, chúng không biết rằng, làm vậy chỉ khiến bà con càng căm thù chúng và quyết tâm theo cách mạng”-ông Eo nhớ lại.

   Ông Rơ Lan Eo (giữa) cùng ông Rơ Châm Mlong (bìa trái) ôn lại ký ức về thời kháng chiến. Ảnh: Đinh Yến
Ông Rơ Lan Eo (giữa) cùng ông Rơ Châm Mlong (bìa trái) ôn lại ký ức về những năm tháng tham gia cách mạng. Ảnh: Đinh Yến


Sau ngày đất nước thống nhất, người dân O Pếch đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Bản thân ông Eo sau khi rời quân ngũ với nhiều vết thương trên cơ thể cũng tích cực tham gia công tác tại địa phương. Mọi việc lớn nhỏ trong làng nhờ có ông đi đầu dẫn dắt mà ai nấy đều đồng thuận, làm theo. Đặc biệt, ông Eo còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Ông chia sẻ: “Muốn dân tin, dân làm theo thì phải cho họ nhìn thấy hiệu quả việc làm của mình. Vì thế, mình phải đi trước, cố gắng siêng năng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, trở thành người giàu trong làng để bà con học hỏi, làm theo”. Hiện gia đình ông có 3 ha cà phê, 1 ha điều và 5 sào lúa nước. Năm 2020, sau khi trừ hết chi phí, ông thu về khoảng 300 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Đồng-Bí thư Chi bộ làng O Pếch-cho biết: Chi bộ và Ban Nhân dân thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn những cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Việc chuyển đổi từ cây lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày đã giúp đời sống của người dân đổi thay nhanh chóng. Hiện tại, làng chỉ còn 4 hộ nghèo.

Là hộ có thu nhập khá trong làng, ông Rơ Châm Mlong cho hay: Gia đình ông có 3 ha cà phê xen canh sầu riêng, bơ, 1 ha điều và 3 sào lúa nước, mỗi năm cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng. “Trước đây, tôi chủ yếu trồng mì, bắp nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 1996, gia đình chuyển sang trồng cà phê và chăn nuôi hơn 10 con bò. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình dần khấm khá, mua sắm được phương tiện sinh hoạt và phục vụ sản xuất”-ông Mlong phấn khởi cho biết.

 Gia đình ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) có thu nhập cao nhờ trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Ảnh: Đinh Yến
Gia đình ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) có thu nhập cao nhờ trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê. Ảnh: Đinh Yến

Ông Hà Đăng Thuận là điển hình làm ăn giỏi khác của làng O Pếch. Năm 2010, ông mua hơn 3 ha đất trồng cà phê xen cây ăn quả. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch từ 80 cây sầu riêng bán được khoảng 400 triệu đồng, cùng với thu hoạch 3 ha cà phê và một số nguồn thu khác được tổng cộng trên 1 tỷ đồng. “Năm nay, do dịch bệnh ảnh hưởng nhưng gia đình cũng thu khoảng 700 triệu đồng”-ông Thuận cho hay.

Đến nay, làng O Pếch đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Ngô Khôn Tuấn nhận xét: “Đến nay, làng có hơn 50% số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Những kết quả mà làng O Pếch đạt được đã tạo tiền đề để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn làng nông thôn mới vào cuối năm 2022, góp phần để xã Ia Pếch đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian sớm nhất”.

 

 ĐINH YẾN - ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.