"Biết sai để sửa, biết thế mạnh để vươn lên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Biết sai để sửa, biết thế mạnh để vươn lên” là cách nghĩ, cách làm của người Bahnar làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Từng là điểm nóng về tà đạo “Hà Mòn”, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, khéo léo của cả hệ thống chính trị địa phương, đời sống của dân làng Kret Krot đã được nâng lên một bước. 
Cảm nhận của chúng tôi khi trở lại làng Kret Krot là không khí vui tươi ấm áp, tinh thần đoàn kết, hăng say lao động sản xuất của dân làng. Già làng Huch dẫn chúng tôi dạo quanh làng để giới thiệu những đổi thay nơi đây. Theo ông, làng Kret Krot có được như ngày hôm nay là nhờ chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang huyện đã tuyên truyền, vận động, cảm hóa, đưa những người “đi sai đường” về lại với gia đình, hòa nhập với cộng đồng. Nhờ vậy, bà con dân làng ai cũng vui vẻ, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.
Kret Krot là một trong những làng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Làng có hơn 170 hộ với gần 900 khẩu, 100% dân số là người dân tộc Bahnar, chủ yếu sống dựa vào việc làm nương rẫy. Kể từ khi trong làng sạch bóng tà đạo “Hà Mòn”, người dân tập trung lao động sản xuất. Họ tận dụng đất đai màu mỡ để phát triển sản xuất nên không còn cảnh ruộng rẫy bị bỏ hoang. Từ hướng dẫn của các ban, ngành, sự giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang, bà con đã chọn trồng những loại cây có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu như: lúa nước 2 vụ, hồ tiêu, bời lời, chanh dây… Đất không phụ công người, cây trồng xanh tốt và cho năng suất cao. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lễ ký kết công tác phụ trách làng giữa Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang với làng Kret Krot (xã Hà Ra) vào ngày 16-4-2021. Ảnh: Hà Phương
Lễ ký kết công tác phụ trách làng giữa Công an huyện, Trung tâm Y tế huyện Mang Yang với làng Kret Krot (xã Hà Ra) vào ngày 16-4-2021. Ảnh: Hà Phương
Thượng tá Đặng Quốc Văn-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang-cho biết: “Bà con làng Kret Krot giờ đây cũng không muốn nhắc đến những câu chuyện buồn đau trong quá khứ. Bám làng, bám dân, chúng tôi biết được cái bà con đang cần, đang thiếu để xây dựng kế hoạch tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Từ chỗ không biết gì về cây hồ tiêu, chanh dây… giờ đây, bà con đã biết trồng, chăm sóc, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, các hủ tục được loại bỏ dần. Đây là tiền đề để củng cố mối quan hệ quân-dân bền vững”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Từ năm 2019 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện Mang Yang đã triển khai cho các ban, ngành chức năng khảo sát, đầu tư xây dựng trường học, nhà “Đại đoàn kết”, nhà tình nghĩa, làm giếng nước sạch, hỗ trợ bò sinh sản… Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn và hỗ trợ giống lúa mới, cây ăn quả trồng xen trong vườn hồ tiêu. Nhờ đó, đến nay, làng chỉ còn 25 hộ nghèo. Trẻ em được đến trường học tập.
Không giấu được niềm vui khi vào sống trong ngôi nhà mới do cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang xây tặng, chị Vil cho biết: “Thấy gia đình tôi nghèo, bộ đội cho giống cây bời lời, chanh dây và hướng dẫn cách trồng. Không những thế, bộ đội còn xây nhà mới cho ở. Trước đây, tôi đi theo tà đạo “Hà Mòn” chỉ có đói khổ, mất tự do. Nhờ chính quyền địa phương, bộ đội và Công an tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã biết được bản chất xấu xa của tà đạo “Hà Mòn” mà từ bỏ”.
Từng là điểm nóng về tà đạo “Hà Mòn”, đến nay, làng Kret Krot đã “thay da đổi thịt”, có cuộc sống mới bình yên, đủ đầy hơn về vật chất lẫn tinh thần. Thành quả đó bắt nguồn từ những chủ trương, chính sách đúng đắn, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện và từ sức mạnh đoàn kết, biết phát huy nội lực, vươn lên trên tinh thần “sai thì sửa, yếu thì vươn lên” của người dân nơi đây.
LÊ QUANG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.