Kông Chro quyết liệt ngăn chặn vấn nạn tự tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) từng được xem là một trong những “điểm nóng” về nạn tự tử trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên vấn nạn này đang dần được đẩy lùi.


Huyện Kông Chro có trên 51 ngàn người, trong đó, đồng bào dân tộc Bahnar chiếm gần 70%. Theo thống kê, giai đoạn 2013-2018, toàn huyện có 109 trường hợp tự tử, làm chết 107 người. Nạn tự tử để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ông Trần Văn Cửu-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy-phân tích: “Nguyên nhân tự tử chủ yếu do mâu thuẫn giữa cha mẹ với con, vợ chồng, bạn bè với nhau… Một trong những yếu tố nữa dẫn đến tự tử là do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế... nên dễ dẫn đến bi quan, chán nản trong cuộc sống. Ngoài ra, do đặc điểm tính cách, tâm lý của người dân tộc thiểu số là bộc trực, trọng tín nghĩa, nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc, nhất là những sự việc tế nhị trong sinh hoạt gia đình nên khi phát sinh mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ dễ tìm đến cái chết”.

Ra mắt Câu lạc bộ “Cuộc sống luôn là vốn quý” tại xã Sró năm 2018. Ảnh: Lê Anh
Ra mắt Câu lạc bộ “Cuộc sống luôn là vốn quý” tại xã Sró năm 2018. Ảnh: Lê Anh

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro đã tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng đề ra biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng công tác phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, hỗ trợ vốn và giống cây trồng, vật nuôi để người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và nhân rộng các chương trình, mô hình phòng-chống vấn nạn tự tử như: tổ nhân dân tự quản; thôn, làng văn hóa, gia đình văn hóa…; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với các ngành chức năng xây dựng clip “Cuộc sống luôn là vốn quý” bằng tiếng Kinh và Bahnar để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ biết yêu quý cuộc sống hơn, xóa bỏ dần những tư tưởng lạc hậu, suy nghĩ nông cạn dẫn đến cái chết vô nghĩa.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xúc tiến thành lập Câu lạc bộ “Cuộc sống luôn là vốn quý” để tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động cho hội viên, phụ nữ. Đồng thời, lồng ghép và đưa các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từ bỏ các hủ tục; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng nhằm từng bước vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, hạn chế nạn tự tử.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, huyện Kông Chro đã từng bước đẩy lùi vấn nạn tự tử. Trong các năm 2019 và 2020, số vụ tự tử trên địa bàn huyện đã giảm hẳn khi chỉ có 12 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện Kông Chro không có vụ tự tử nào xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Minh-Phó Bí thư Huyện ủy-cho hay: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại. Tăng cường các hoạt động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể, giải tỏa những vướng mắc, những xung đột cá nhân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. “Đặc biệt, các địa phương thường xuyên củng cố, quản lý hệ thống hương ước, quy ước thôn, làng; xây dựng lực lượng tư vấn tại thôn, làng. Tăng cường trách nhiệm, vai trò của già làng, người có uy tín trong việc vận động, giúp đỡ bà con tích cực sản xuất, cải thiện đời sống; hạn chế uống rượu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”-ông Minh nhấn mạnh.

LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.