Cơ quan, đơn vị kết nghĩa với buôn làng: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, bộ mặt buôn làng ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Ông Trịnh Văn Lương-Trưởng ban Dân vận Thị ủy Ayun Pa-cho hay: Thị xã có 9.331 hộ với 40.317 nhân khẩu, trong đó, hộ đồng bào DTTS chiếm 44,3%; 24/49 thôn, làng, tổ dân phố là đồng bào DTTS. Tại các buôn làng đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xuất phát điểm về kinh tế-xã hội thấp, một số người chưa tự ý thức vươn lên, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tập tục vẫn còn nặng nề…

 Nhờ mô hình kết nghĩa, đời sống của người dân buôn Ama Djương (phường Đoàn Kết) ngày càng cải thiện. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ mô hình kết nghĩa, đời sống của người dân buôn Ama Djương (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) ngày càng cải thiện. Ảnh: Vũ Chi


Trước tình hình đó, năm 2017, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành kế hoạch và phân công 45 cơ quan, đơn vị phụ trách kết nghĩa với 24 buôn đồng bào DTTS để giúp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị cơ sở bám dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ các hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, các đơn vị còn trích quỹ phúc lợi, vận động cán bộ, công chức, viên chức đóng góp kinh phí hỗ trợ cây-con giống, phân bón, xây nhà tình nghĩa, nhà văn hóa cộng đồng, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí… Vào dịp lễ, Tết, các cơ quan, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo và gia đình có công với cách mạng. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan, đơn vị phụ trách đã huy động trên 900 triệu đồng làm công tác an sinh xã hội tại các buôn làng kết nghĩa.

Chi bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội được phân công phụ trách buôn Ama Djương (phường Đoàn Kết). Bí thư Chi bộ Phan Văn Minh cho hay: Cơ quan phân công cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp xuống buôn làng nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của người dân để phản ánh kịp thời với lãnh đạo cấp trên; cùng hệ thống chính trị cơ sở giải quyết những vấn đề nổi cộm, vướng mắc trong dân, đặc biệt là tình trạng mất trật tự, thanh niên say rượu, gây gổ với nhau. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với già làng, trưởng thôn, người có uy tín vận động thanh-thiếu niên không vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Thời gian qua, Chi bộ đã hỗ trợ buôn Ama Djương 35 triệu đồng, tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, tham gia thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ với thanh niên trong buôn, tránh xa tệ nạn, tạo không khí đoàn kết.

Nhờ Chi bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ mà buôn Ama Djương thay đổi rõ rệt, thanh niên tu chí làm ăn, không rượu chè bê tha. Bà con có ý thức xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cán bộ thường xuyên hướng dẫn bà con lựa chọn cây-con giống phù hợp, chi tiêu hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt. Từ đó, số hộ nghèo của buôn giảm từ 26 hộ năm 2017 xuống còn 7 hộ.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã huy động kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, làm nhà vệ sinh, cấp bò giống... giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Tiêu biểu như Ban Chỉ huy Quân sự thị xã hỗ trợ 3 con bò trị giá 17 triệu đồng, Công an thị xã hỗ trợ 6 căn nhà trị giá 380 triệu đồng, Văn phòng HĐND-UBND thị xã hỗ trợ 5 con bò sinh sản trị giá 50 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai hỗ trợ hàng ngàn cuốn vở cho học sinh nghèo…

Trưởng ban Dân vận Thị ủy Ayun Pa nhấn mạnh: Cùng với sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, nhiều buôn làng đồng bào DTTS đã thay da đổi thịt. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, đến nay buôn Sar, buôn Rưng Ma Rai (xã Ia Rbol), buôn Khăn (xã Ia Sao), buôn Bir (xã Chư Băh), buôn Phu Ma Nher 2 (xã Ia Rtô) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm xuống còn 1,13%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,7%; 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh...

“Để mô hình này thực sự đi vào chiều sâu, các cơ quan, đơn vị tiếp tục gắn công tác kết nghĩa với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để người dân tự ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Lương nói.

 

VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.