Gia Lai: Phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc các đơn vị chủ rừng chủ động sử dụng kinh phí từ tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để mua sắm trang-thiết bị, công cụ hỗ trợ đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ động đầu tư trang-thiết bị hỗ trợ
Để giữ màu xanh cho những cánh rừng thuộc địa bàn quản lý, ông Hồ Ngọc Đặng-nhân viên phụ trách địa bàn xã Ia Khươl (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh) thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, truy quét và xử lý những trường hợp xâm phạm tài nguyên rừng. Đặc biệt, vào cao điểm mùa khô, ông cùng các đồng nghiệp bố trí ứng trực 24/24 giờ để tuần tra, kiểm soát trên hầu hết các vị trí trọng điểm, xung yếu dễ xảy ra cháy rừng.
Theo ông Đặng, từ nơi làm việc tới khu vực rừng quản lý hơn 50 km. Những năm gần đây, ngoài việc được hỗ trợ xe máy làm phương tiện đi lại, lực lượng bảo vệ rừng còn được trang bị thêm bình xịt hơi cay, dùi cui điện.
“Ngoài việc được trang bị thêm máy định vị GPS cầm tay giúp xác định vị trí, hỗ trợ công tác tuần tra, chúng tôi còn được đơn vị đầu tư xây nhà trạm bảo vệ rừng với đầy đủ trang bị thiết yếu để anh em nghỉ ngơi sau mỗi chuyến tuần tra mệt nhọc”-ông Đặng chia sẻ.
Lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah trên đường tuần tra, quản lý bảo vệ rừng
Lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc trên đường tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Phương
Ông Nguyễn Văn Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh-cho biết: Diện tích rừng do đơn vị quản lý gần 12.000 ha nằm rải rác trên địa bàn các xã: Ia Khươl, Hà Tây và Đak Tơ Ve. Địa bàn rộng, lực lượng quản lý rừng mỏng nên ngoài việc giao khoán hơn 4.000 ha rừng cho 12 cộng đồng làng (khoảng 400 hộ), đơn vị đã chủ động đầu tư các trang-thiết bị như: máy định vị GPS cầm tay, xe máy, máy cắt thực bì, bàn dập lửa, các công cụ thô sơ (rựa, cuốc), đồng thời sửa chữa chòi canh lửa, làm đường ranh cản lửa, các công trình phòng cháy chữa cháy rừng. Phần lớn việc chi mua sắm này được sử dụng từ nguồn DVMTR.
“Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn tiền DVMTR, chúng tôi đã đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như: 2 nhà trạm bảo vệ rừng, cổng, hàng rào, giếng nước; trạm biến áp, đường dây điện phục vụ nhà trạm. Đồng thời, chi hơn 1,1 tỷ đồng mua sắm phương tiện, thiết bị hỗ trợ như: xe ô tô bán tải, 12 xe máy, máy chụp hình, 3 máy định vị GPS”-ông Thành thông tin.
Rừng được bảo vệ tốt hơn
Trao đổi với P.V, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cho rằng: Từ khi có tiền DVMTR, đơn vị có thêm nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm trang-thiết bị hỗ trợ. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được thực hiện tốt hơn.
Cụ thể, việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng không những giúp người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn gắn trách nhiệm của họ đối với việc tham gia giữ rừng. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được 90 km đường băng cản lửa, đốt trước có điều kiện 113 km, ký cam kết an toàn lửa rừng bình quân 250 hộ/năm. “Nhờ đầu tư các thiết bị giám sát từ xa mà 10 năm trở lại đây, khu vực rừng do đơn vị quản lý chưa xảy ra cháy rừng”-ông Thành thông tin.
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Minh Phương
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Minh Phương
Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) phụ trách hơn 12.623 ha rừng. Hàng năm được chi trả gần 2,3 tỷ đồng từ DVMTR, đơn vị hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho người dân gần 8.000 ha với định mức chi trả 400.000 đồng/ha. Phần kinh phí ít ỏi còn lại (khoảng 70-80 triệu đồng/năm), đơn vị dùng mua sắm trang-thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trưởng ban Phạm Thành Phước cho biết: Những công cụ này hỗ trợ đắc lực cho lực lượng bảo vệ rừng, đơn vị luôn quan tâm cân đối nguồn chi để đầu tư các trang-thiết bị như: xe máy, ống nhòm, máy định vị GPS cầm tay, công cụ hỗ trợ. Qua đó, đơn vị đã chủ động phát hiện kịp thời các đám cháy cũng như hoạt động xâm hại rừng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thì nhận định: Hàng năm, nguồn kinh phí DVMTR đã giúp các đơn vị chủ rừng có thêm điều kiện để tổ chức, củng cố lực lượng bảo vệ rừng; mua sắm trang-thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở.
Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của các chủ rừng và người dân, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh luôn theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được chi trả của các chủ rừng bảo đảm công khai, minh bạch và đúng mục đích.
“Việc các chủ rừng chủ động dành một phần kinh phí hàng năm để đầu tư mua sắm trang-thiết bị đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng”-ông Thưởng khẳng định.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.