An Khê phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với phòng-chống dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với các địa phương trong tỉnh Gia Lai, thời gian qua, thị xã An Khê đề ra nhiều giải pháp để vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, “mục tiêu kép” này đang được địa phương triển khai thực hiện một cách linh hoạt và hiệu quả.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá rau xanh giảm mạnh khiến người trồng rau trên địa bàn thị xã An Khê gặp khó. Ảnh: Hồng Thi
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá rau xanh giảm mạnh khiến nông dân trên địa bàn thị xã An Khê gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hồng Thi
Duy trì sản xuất kinh doanh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2021, giá cả nhiều mặt hàng nông sản, nhất là rau xanh giảm mạnh. Thực tế đó khiến không ít nông dân gặp khó khăn. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (tổ 4, phường An Bình) đã phải bỏ cả ruộng rau vì thương lái không thu mua.
“Tôi xuống giống 5 sào cải thìa, ngò, bắp cải chuẩn bị cung cấp trong dịp Tết thì dịch bệnh bùng phát trở lại. Giá rau theo đó cũng tụt dốc không phanh, bình quân chỉ 400-500 đồng/kg, trong khi mọi năm giá ở mức 7.000-8.000 đồng. Mong là dịch bệnh sớm được đẩy lùi để bà con nông dân đỡ vất vả”-ông Tùng rầu rĩ nói.
Trước tình hình đó, ngành chức năng thị xã An Khê đã phối hợp với các xã, phường rà soát, nắm bắt toàn bộ diện tích rau màu trên địa bàn; kịp thời tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng có khả năng tiêu thụ ổn định trong mùa dịch để bù đắp thiệt hại.
Ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã-thông tin: Trên địa bàn hiện có khoảng 40% hộ dân sản xuất nông nghiệp. Ngoài rau màu thì lúa, mía, mì là những cây trồng chính. Mặc dù dịch bệnh nhưng giá mía tăng hơn so với năm trước. Thêm vào đó, thời tiết lại tương đối thuận lợi để bà con sản xuất vụ Đông Xuân. Đến thời điểm hiện tại, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành và chính quyền các cấp, tiến độ gieo trồng đạt 90% kế hoạch được giao, riêng cây lúa đạt 100%.
Tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh song hầu hết doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn vẫn cố gắng duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Đỗ Thị Huệ-chủ cửa hàng tạp hóa Minh Huệ (tổ 9, phường An Phú) chia sẻ: “Dự lường sức mua sẽ giảm trong mùa dịch nên tôi giảm lượng hàng hóa nhập vào khoảng 30%. Dù lợi nhuận thấp hơn các năm song đã là quá tốt ở thời điểm này. Tôi rất vui vì dịch bệnh cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện để chúng tôi tiếp tục buôn bán”.
Vào cuộc đồng bộ
Nằm ở trung tâm thị xã, phường Tây Sơn đã chủ động đề ra các phương án phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Theo Chủ tịch UBND phường Lữ Văn Tâm, để thực hiện “mục tiêu kép”, phường đã dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người; cấm hoạt động 4 cơ sở kinh doanh karaoke, internet và vui chơi giải trí; giám sát y tế đối với 181 trường hợp từ nơi khác về địa phương, trong đó có 41 trường hợp cách ly tại nhà và 2 trường hợp cách ly tập trung. Dịp Tết vừa qua, chợ hoa vẫn được phép tổ chức và tuyệt đối tuân thủ các giải pháp an toàn phòng dịch. Nhờ đó, lượng hoa của người dân địa phương cơ bản được tiêu thụ.
Thị xã An Khê đã đề ra nhiều giải pháp để vừa phòng-chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi
Thị xã An Khê đã đề ra nhiều giải pháp để vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi
“Phường có 555 hộ kinh doanh dịch vụ, hoạt động cơ bản ổn định trong mùa dịch. Riêng 4 hộ kinh doanh dịch vụ trong diện cấm hoạt động sẽ được miễn thuế. Toàn phường có hơn 760 hộ làm nông nghiệp và chủ yếu canh tác ở các huyện lân cận. Đối với những hộ này, chúng tôi yêu cầu tuân thủ các biện pháp phòng-chống dịch trong quá trình di chuyển từ nhà đến nơi sản xuất và ngược lại. Đặc biệt, giám sát y tế chặt chẽ và cách ly kịp thời đối với những hộ dân canh tác ở vùng tâm dịch và hành nghề buôn bán lưu động để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”-ông Tâm nói.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình dịch bệnh, thị xã An Khê đã bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, vận tải.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Bên cạnh hướng dẫn, vận động doanh nghiệp, người dân lựa chọn loại hình sản xuất kinh doanh đạt tiêu chí an toàn, đảm bảo “mục tiêu kép” theo từng giai đoạn, thị xã còn hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và gia hạn thuế của các hộ cá nhân; giảm tiền thuê đất, hướng dẫn hạch toán các khoản đóng góp ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 vào chi phí hợp lý được khấu trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, các ngân hàng cũng giảm lãi suất một số gói tín dụng đã triển khai; cho vay mới và áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.