Niềm vui từ những tuyến đường bê tông nông thôn ở Yang Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Yang Nam (huyện Kông Chro) có 1.081 hộ với 5.743 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số. Toàn xã có đến 262 hộ nghèo, chiếm 24,24%. Dân cư phân bố rải rác, các làng ở xa nhau nên việc đầu tư đường giao thông nông thôn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, địa phương đã tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên xây dựng đường giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.  
Ông Siu Der-Trưởng thôn Glung-cho biết: Làng có 183 hộ với 929 khẩu. Người dân chủ yếu làm rẫy nên còn rất khó khăn. Việc huy động bà con đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn rất chật vật. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động, dân làng hiểu được lợi ích của việc làm đường giao thông nên đồng lòng hưởng ứng. Dân làng đã tích cực góp ngày công, nhiều hộ tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ hàng rào để mở rộng, nắn đường cho thẳng. “Nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết hợp với sự đóng góp ngày công của dân làng, từ đầu năm đến nay, làng đã làm được 800 m đường bê tông với tổng kinh phí 750 triệu đồng”-ông Siu Der phấn khởi nói.
Trước đây, để ra trung tâm xã, người dân làng Vơn và làng Glung phải vượt qua suối Pur. Vào mùa mưa lũ, dòng nước dâng cao khiến cho 2 làng này bị cô lập hoàn toàn. Từ khi cây cầu Lơ Pơ vượt suối Pur được Nhà nước đầu tư xây dựng, việc đi lại và chuyển chở nông sản của bà con trở nên thuận lợi hơn, tình trạng thương lái ép giá nông sản không còn xảy ra. Giao thông thuận lợi nên đời sống của người dân cũng dần khởi sắc. Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, bà Đinh Thị Dêm (làng Tpông) hồ hởi nói: “Trước đây, đường sá lầy lội và khó đi. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, dân làng rất vui. Trẻ em đi học, bà con đi sản xuất cũng dễ dàng, việc mua bán trao đổi hàng hóa cũng thuận lợi hơn”.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Yang Nam đã được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: R'Ô Hok
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Yang Nam đã được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Ảnh: R'Ô Hok
Đến nay, trục đường từ trung tâm xã Yang Nam đến thị trấn Kông Chro đã được bê tông hóa; mạng lưới đường làng đã được bê tông hóa đạt 95%; đường ra khu sản xuất cũng từng bước được cứng hóa đảm bảo đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi.
Trao đổi với P.V, ông Siu Drênh-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Nam-cho biết: “Nhờ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, từ năm 2010 đến nay, xã đã làm được 4.186 km đường bê tông thuộc 6 thôn, làng. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, kinh tế-xã hội địa phương thêm cơ hội phát triển. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tận dụng nguồn vốn các chương trình, dự án để đầu tư sửa chữa các hạng mục còn lại nhằm hoàn thiện tiêu chí giao thông để đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021”. 
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.