Người dân buôn Jưh Ama Nai thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự tích cực tuyên truyền, vận động của chính quyền và nỗ lực của người dân trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với tình hình mới, đời sống của bà con buôn Jưh Ama Nai (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều khởi sắc. Trong buôn có hàng chục hộ thu nhập từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm.
Trước đây, gia đình ông Kpă Krik là hộ nghèo của buôn Jưh Ama Nai. Dù có 2 ha đất sản xuất nhưng do thiếu vốn đầu tư, sản xuất theo kiểu truyền thống nên năng suất cây trồng thấp dẫn đến thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Từ năm 2015, được địa phương tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, lại thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ông Krik mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Để khai thác hiệu quả diện tích đất của gia đình, ngoài trồng lúa, mì, ông Krik còn trồng thêm cây bắp và cây thuốc lá. Gia đình ông cũng đầu tư xây chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ đó đến nay, thu nhập của gia đình hơn 300 triệu đồng/năm.
Hiện gia đình ông đã xây dựng được căn nhà mới khang trang và mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. “Bây giờ, gia đình tôi không còn lo đói nghèo mà chỉ cần phấn đấu nhiều hơn nữa để tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi và nuôi con cháu ăn học đến nơi đến chốn”-ông Krik cho biết.
Gia đình ông Kpă Krik đầu tư xây chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò sinh sản
Gia đình ông Kpă Krik đầu tư xây chuồng trại kiên cố để chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: Ngọc Sang

Tương tự, gia đình bà Siu H’Nem cũng là hộ điển hình trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, gia đình bà mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Nguồn thu nhập từ việc buôn bán đủ để bà trang trải cuộc sống hàng ngày.

Bà H’Nem chia sẻ: “Ngày trước, gia đình mình khó khăn lắm, thiếu thốn đủ bề, thường phải nhờ chính quyền hỗ trợ. Từ ngày có vốn để mở quán buôn bán, cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn”.

Đến buôn Jưh Ama Nai hôm nay không khó để bắt gặp những ngôi nhà sàn xây dựng khang trang được bao bọc bởi hàng rào kiên cố, những con đường bê tông thẳng tắp. Cuộc sống của người dân đang từng ngày khởi sắc. Thành quả ấy chính là bởi người dân đã tích cực thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Toàn buôn Jưh Ama Nai có 118 hộ (558 khẩu) thì có đến 50% số hộ thu nhập mỗi năm từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng từ trồng thuốc lá, mì, lúa, bắp và chăn nuôi bò, dê. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong buôn là 43 triệu đồng/năm, cao hơn mặt bằng chung của xã (gần 38 triệu đồng/người/năm).

Đường giao thông buôn Jưh Ama Nai (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã được bê tông hóa. Ảnh: Ngọc Sang
Đường giao thông buôn Jưh Ama Nai (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã được bê tông hóa. Ảnh: Ngọc Sang
Ông Huỳnh Thanh Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Rtô-cho hay: Thời gian đầu triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho người dân trong sản xuất và đời sống.
Hiện nay, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển cây trồng và vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế. Buôn chỉ còn 4 hộ nghèo, chủ yếu là gia đình đã quá tuổi lao động. Hơn 90% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 100% gia đình sử dụng nước sạch, 100% trẻ em được huy động đến trường đúng độ tuổi…
Trao đổi với P.V, ông Lê Ngọc Long-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho biết: Thời gian tới, UBND xã tiếp tục vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên những hộ khó khăn vay vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, nâng cao thu nhập, hướng đến xây dựng buôn Jưh Ama Nai thành làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.