Xã hội hóa hoạt động bể bơi trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng bể bơi để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh. Trong năm học, các bể bơi này được duy trì khá tốt khi nhiều trường lồng ghép tiết dạy bơi trong các hoạt động ngoại khóa. Thế nhưng, vào dịp hè, nhiều bể bơi trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa rơi vào cảnh “đắp chiếu” do thiếu kinh phí vận hành và thuê giáo viên dạy bơi.


Nhiều bể bơi “đắp chiếu”

Trên địa bàn huyện Mang Yang hiện có 4 đơn vị trường học được đầu tư xây dựng bể bơi. Trong số đó, chỉ có Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 2 vẫn duy trì hoạt động dạy bơi trong dịp hè. 3 đơn vị còn lại gồm: Trường Tiểu học Kon Thụp (xã Kon Thụp), Trường Tiểu học và THCS Đak Yă (xã Đak Yă) và Trường THCS Ayun (xã Ayun) do thiếu kinh phí nên vào mùa hè, các bể bơi buộc phải tạm dừng hoạt động.

Một tiết học bơi của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 2 (huyện Mang Yang). Ảnh: Ngọc Sang
Một tiết học bơi của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Kon Dơng số 2 (huyện Mang Yang). Ảnh: Ngọc Sang


Cô Trần Thị Minh-Hiệu trưởng Trường THCS Ayun-cho biết: Năm 2018, bể bơi của nhà trường đưa vào hoạt động. Từ đó, tất cả học sinh đều được dạy bơi. Năm học 2019-2020, toàn trường có 631 học sinh tham gia học bơi. Con số này cho thấy, nhu cầu tập luyện môn bơi lội của học sinh khá cao. Tuy nhiên, với đặc thù trường nằm ở xã vùng sâu nên vấn đề xã hội hóa không thực hiện được. Đa số phụ huynh đều sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không có tiền đóng góp cho con em học bơi trong dịp hè. Nhà trường cũng không thể điều động giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất đến dạy bơi cho các em trong thời gian này.

“Sau khi kết thúc năm học, nhà trường đã có thông báo về việc dạy bơi trong dịp hè nhưng rất ít phụ huynh đăng ký. Vì vậy, hè này, bể bơi của nhà trường sẽ phải tạm ngừng hoạt động”-Hiệu trưởng Trường THCS Ayun thông tin.


Trao đổi về việc duy trì hoạt động các bể bơi trường học trong dịp hè, ông Phạm Trung-chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang-cho hay: Hiện nay, nguồn chi thường xuyên đã giao hết cho các trường hoạt động từ đầu năm học, trong đó có kinh phí cho hoạt động các bể bơi. Theo hiệu trưởng các trường báo cáo, nếu khai thác tối đa bể bơi thì nguồn kinh phí bỏ ra quá lớn. Hiện nay, kinh phí thường xuyên của các trường được giao về phần lớn dùng để chi trả cho giáo viên dạy tăng giờ và dạy lớp ghép vì thiếu giáo viên. Vì vậy, kinh phí để tổ chức dạy bơi cho học sinh dịp hè không có hoặc không đủ.

“Những năm trước, vào dịp hè, các trường không tổ chức dạy bơi cho học sinh. Nhưng vừa rồi, trên địa bàn đã xảy ra mấy vụ đuối nước nên Phòng đã chỉ đạo các trường báo cáo tình hình hoạt động và việc triển khai dạy bơi cho học sinh trong thời gian hè để tham mưu cho UBND huyện có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Phòng cũng động viên các trường tích cực vận động xã hội hóa để khai thác có hiệu quả bể bơi trong thời gian hè, tránh lãng phí”-ông Trung cho biết.

Tình trạng khó khăn này cũng xảy ra tại huyện biên giới Đức Cơ. Trên địa bàn huyện hiện có 4 bể bơi tại 2 trường THCS và 2 trường tiểu học. Các bể bơi này đều được đưa vào hoạt động giảng dạy 3 năm qua. Tuy nhiên, cứ vào dịp hè, các bể bơi đều phải đóng cửa do nhà trường không tuyển sinh đủ số lượng học sinh để mở lớp.

Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ-nêu khó khăn: “Mặc dù trước khi nghỉ hè, nhà trường có thông báo về việc mở các lớp dạy bơi nhưng phụ huynh không đăng ký cho con em mình tham gia nên các bể bơi không thể hoạt động được. Muốn các bể bơi hoạt động trong dịp hè thì phải có nguồn kinh phí nhưng chủ yếu là xã hội hóa để trả lương cho giáo viên và vận hành bể bơi như: tiền điện máy bơm, tiền hóa chất khử trùng nước, vệ sinh bể…”.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo): “Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 31 trường tiểu học xây dựng được bể bơi. Song, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp hè vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giáo viên hoặc thiếu kinh phí và cơ chế duy trì, vận hành... Nếu phó mặc cho nhà trường cáng đáng thì rất khó khăn vì nguồn ngân sách không có. Bởi vậy, sự nỗ lực vận động từ phía nhà trường và sự chung tay của chính quyền địa phương là rất cần thiết”.

Dẫn chúng tôi đến bể bơi của nhà trường, cô Phạm Thị Hoan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) phấn khởi cho biết: Năm 2017, UBND huyện đã đầu tư xây dựng bể bơi thông minh cho nhà trường đảm bảo theo tiêu chuẩn bể bơi trường học. Trong năm học, nhà trường tổ chức cho các em học bơi theo khóa. Các tiết học bơi được sắp xếp thời gian phù hợp với tình hình thực tế, không ảnh hưởng đến thời gian học chính khóa của học sinh. Mỗi tiết học bơi kéo dài 90 phút, giáo viên phụ trách hướng dẫn các em tập những kỹ năng như: lấy hơi, tập nổi, đạp chân, lướt nước… Yêu cầu đặt ra sau khi kết thúc khóa học là học sinh phải nắm được kỹ thuật bơi.

“Từ khi có bể bơi, nhà trường luôn nỗ lực để các em học sinh có điều kiện học bơi trong dịp hè. Đầu tiên, chúng tôi phối hợp với Đoàn Thanh niên của xã để tuyên truyền tới các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc cho trẻ học bơi. Với mức thu 200.000 đồng/em/khóa, bước đầu đã có trên 50 học sinh đăng ký học bơi trong dịp hè năm nay. Mức thu này có thể không đủ để trang trải cho các chi phí như: hóa chất xử lý nước, vệ sinh bể… nên giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của nhà trường phải chấp nhận nhận thù lao thấp hơn so với quy định. Ngoài ra, các học sinh dân tộc thiểu số đăng ký học bơi được nhà trường miễn học phí”-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Hưng cho hay.

 Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) có nhiều cách làm hay để duy trì hoạt động của bể bơi trong dịp hè. Ảnh: Trần Dung
Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) có nhiều cách làm hay để duy trì hoạt động của bể bơi trong dịp hè. Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo): “Thời gian tới, các trường cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ học sinh về phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, thắt chặt mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện để học sinh được tham gia học bơi trong dịp hè”.


Hào hứng tham gia khóa học bơi tại trường trong dịp hè, em Lê Viết Xô (lớp 5A, Trường Tiểu học Nghĩa Hưng) vui vẻ nói: “Trước đây, con rất sợ nước và không biết bơi. Từ khi tham gia khóa học bơi, con được thầy hướng dẫn các kỹ thuật như: nổi người, bơi ngửa, bơi ếch và lướt nước. Thầy còn hướng dẫn cho con cách phòng tránh đuối nước”.

Trên địa bàn huyện Chư Pah hiện có 4 bể bơi trong các trường học. Với nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp thực tế, một số trường đã duy trì được các khóa học bơi cho trẻ trong dịp hè. Anh Trịnh Công Duy-Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn Chư Pah-chia sẻ: “Việc tạo sân chơi cho trẻ em dịp hè là vấn đề mà cả nhà trường và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Đặc biệt, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phòng-chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước đã và đang được Huyện Đoàn Chư Pah tích cực triển khai. Ngoài việc phối hợp với nhà trường trực tiếp hướng dẫn, phổ cập kỹ năng bơi cho trẻ, các tổ chức cơ sở Đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh đuối nước cho trẻ”.

Trong các đơn vị nỗ lực vượt khó để duy trì hoạt động bể bơi dịp hè phải kể đến Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Thầy Đặng Đình Lực-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Bể bơi của trường được khánh thành vào tháng 1-2020 nhưng vướng dịch Covid-19 nên chưa đưa vào dạy bơi cho học sinh. Trong dịp hè này, nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tổ chức dạy bơi cho các em nhỏ ở địa phương. Hiện lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã đã đi vận động cha mẹ học sinh ở các thôn, làng cho con em mình học bơi trong dịp hè.

“Cho con em tham gia các lớp học bơi này, phụ huynh chỉ phải đóng góp một ít kinh phí để trả tiền điện, phần còn lại được Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ. Trước mắt, đã có hơn 50 học sinh đăng ký tham gia học bơi. Hy vọng các lớp dạy bơi sẽ được tổ chức thường xuyên vào mỗi dịp hè, góp phần giảm nguy cơ tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn xã”-thầy Lực kỳ vọng.

 TRẦN DUNG-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.