Nông thôn mới hiện hữu ở "ốc đảo" Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời điểm này, xã Kon Pne (huyện Kbang) mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây đang ra sức vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm đạt chuẩn NTM trong năm 2020.
Chung sức, đồng lòng
Xã Kon Pne có 3 làng đồng bào Bahnar gồm: Kon Hleng, Kon Ktonh và Kon Kring với 386 hộ, gần 1.500 khẩu. Bà con chủ yếu sống dựa vào canh tác nương rẫy. Do đó, để hoàn thành các tiêu chí quan trọng về thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, xã phải có những giải pháp phù hợp để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Để giải bài toán này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã phụ trách từng tiêu chí, từng làng, từng hộ gia đình để triển khai thực hiện; đặc biệt là thống nhất với các trưởng thôn, già làng để tích cực tuyên truyền. 
Ông Đinh A Phir-Trưởng thôn Kon Hleng-cho biết: Mỗi năm, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, làng Kon Hleng thường giữ lại 10-30 triệu đồng để gây quỹ giúp các hộ khó khăn trong làng hoặc cho vay phát triển sản xuất. Riêng năm 2019, làng đã thống nhất dùng số tiền gây quỹ được hơn 24 triệu đồng để mua cây xanh trồng xung quanh nhà văn hóa; hỗ trợ 3 hộ dân (4 triệu đồng/hộ) trong làng di dời nhà, xây lại bờ rào để nhường đất làm khuôn viên nhà văn hóa và các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, vườn hoa, nơi để xe. Đồng thời, phối hợp phát động phong trào trồng cây xanh xung quanh khuôn viên nhà rông của làng để tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.
Làng Kon Ktonh (xã Kon Pne, huyện Kbang) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Ảnh: M.N
Làng Kon Ktonh (xã Kon Pne, huyện Kbang) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Ảnh: M.N
Trong khi đó, ông A Hiêng-già làng Kon Ktonh thì cho hay, người dân trong làng đang tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM. Hiện làng đã đạt 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí còn lại sẽ nỗ lực hoàn thành trong năm 2020. “Chúng tôi nhắc nhở người dân chăm lo làm ăn, chi tiêu hợp lý. Đặc biệt là tích cực tham gia nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của làng (hiện còn trên 8%), đồng thời thực hiện các mô hình chăn nuôi do Nhà nước hỗ trợ để nâng mức thu nhập từ 28,2 triệu đồng lên 38 triệu đồng vào cuối năm 2020”-ông A Hiêng cho hay.
Nỗ lực hoàn thành từng tiêu chí
Theo ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne: Đến cuối năm 2019, xã hoàn thành thêm 3 tiêu chí về xây dựng NTM, nâng tổng số tiêu chí đạt chuẩn của xã lên 13 tiêu chí. Với 6 tiêu chí còn lại, xã sẽ nỗ lực hoàn thành trong năm 2020.
Về tiêu chí thu nhập, UBND xã tiếp tục vận động bà con đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế tiềm năng của địa phương để nâng cao thu nhập. Trong đó, chú trọng cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch lúa; luân canh các loại cây trồng khác như bắp, mì nhằm tăng năng suất. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị hiệu quả, phù hợp với địa phương như: trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, thâm canh lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, trồng mì cao sản. Tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả dự án nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo; dự án của Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 10 hộ (mỗi hộ từ 10 đến 15 triệu đồng) để chăn nuôi bò. Đồng thời, duy trì mô hình nuôi heo đen; mô hình quản lý rừng cộng đồng, hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Anh A Khúc (mặc áo xanh, làng Kon Hleng, xã Kon Pne) tham gia mô hình trồng dược liệu sâm đá dưới tán rừng. Ảnh: M.N
Anh A Khúc (mặc áo xanh, làng Kon Hleng, xã Kon Pne) tham gia mô hình trồng dược liệu sâm đá dưới tán rừng. Ảnh: M.N
Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho hay: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Kon Pne sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích NTM vào cuối năm 2020. Để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thời gian tới, xã tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các hạng mục công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao như: khu sinh hoạt thể thao của các làng, sân bóng chuyền, công trình vệ sinh, nơi để xe; đầu tư trang-thiết bị cho nhà văn hóa làng (âm thanh, loa đài, bàn ghế...). Bên cạnh đó, tập trung nguồn vốn đầu tư cho Đài Truyền thanh xã, lắp đặt hệ thống loa phát thanh. Đây là điều kiện để hoàn thành tiêu chí thông tin và truyền thông.
“Ngoài việc đầu tư xây dựng tuyến đường nội đồng Đak Hlang nhằm đảm bảo điều kiện hoàn thành tiêu chí giao thông, xã tiếp tục hỗ trợ các hộ dân làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà ở để củng cố tiêu chí nhà ở dân cư. Bởi sau khi hoàn thành tiêu chí này, qua rà soát chúng tôi phát hiện có 43 ngôi nhà của các hộ dân đã xuống cấp, cần sửa chữa và nâng cấp”-ông Điệp thông tin.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.