Về Xuân An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Huỳnh Văn Vang là đồng đội cũ của tôi, giờ đã nghỉ hưu. Mới đây, anh đưa tôi về thăm xã Xuân An, thị xã An Khê (Gia Lai). Cũng không xa mấy, từ trung tâm thị xã đến Xuân An chừng hơn chục cây số.
Xuân An là xã chia tách ra từ xã Tú An hồi năm 2009. Khi mới chia tách, xã còn khá nghèo. 95% hộ dân ở đây làm nghề nông, đời sống khá chật vật. Khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, thống kê lần đầu, xã chỉ mới đạt được... 1 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Đường ra khu sản xuất của xã Xuân An. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đường ra khu sản xuất của xã Xuân An. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đầu tiên, chúng tôi ghé thăm nhà người đồng đội cũ là anh Phạm Văn Đỏ. Anh Đỏ ra tận trục đường chính của xã đón chúng tôi. Nhìn quanh căn nhà anh Đỏ, tôi hỏi thăm vài chuyện về gia đình. Anh cho biết, đời sống gia đình chưa cải thiện mấy nhưng cũng đỡ vất vả hơn vài ba năm trước. Anh Đỏ thoát ly tham gia hoạt động cách mạng trên địa bàn K8 (An Khê) từ năm 1962. Đến năm 1987, vì các vết thương của anh thường xuyên tái phát, đau nhức khi trái gió trở trời, không thể tiếp tục tham gia công tác được nữa, anh đành xin nghỉ mất sức về quê làm ruộng. Những đồng tiền phụ cấp theo chế độ mất sức ít ỏi, chế độ thương binh không được hưởng dù theo kết luận của cơ quan y tế, anh đã 2 lần bị thương với mức độ lên đến 41% vĩnh viễn trong lúc làm nhiệm vụ trước năm 1975. Anh báo tin vui: Được sự quan tâm của địa phương, năm rồi, anh nhận được một khoản tiền hỗ trợ 50 triệu đồng, vay mượn của ngân hàng và hàng xóm góp vào xây được căn nhà mấy chục mét vuông này. Chỗ ở của vợ chồng già thế là tạm ổn. Vì mái nhà lợp tôn nên anh ước gì có thêm ít tiền nữa để đóng la phông, ngày nắng đỡ nóng, đêm sương đỡ lạnh, khi mưa đỡ ồn ào.
Tôi công tác với anh Phạm Văn Đỏ hồi những năm 1969-1972. Anh Đỏ là người luôn được lãnh đạo cơ quan khi ấy nêu gương, một người luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công dù 2 lần bị rơi vào ổ phục kích của địch. Dù bị thương nặng, sức khỏe giảm sút, nhưng mỗi khi nhận nhiệm vụ ra phía trước, làm bất cứ việc gì anh cũng tích cực cùng đồng đội ra sức khắc phục khó khăn để hoàn thành. An Khê là một trong những chiến trường ác liệt nhất của tỉnh Gia Lai; địch ra sức càn quét, đánh phá thường xuyên. Nhiều đồng đội chúng tôi đã hy sinh, nhiều người bị địch bắt tù đày là trong quãng thời gian cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Giờ đây, sống trong căn nhà “chính sách” với diện tích khiêm tốn, không có bất cứ vật dụng gì đáng giá, thế mà khi chúng tôi đến thăm, anh Đỏ vẫn vô cùng phấn khởi. Nhấp ngụm trà nhạt, chúng tôi ôn lại bao kỷ niệm về một thời oanh liệt cùng đồng chí, đồng bào chống giặc ngoại xâm. Số anh em lớp chúng tôi thời ấy giờ còn lại trên địa bàn An Khê không nhiều, mỗi khi đến ngày lễ, ngày Tết thỉnh thoảng ghé thăm nhau. Nhưng giờ tuổi đã cao, sức khỏe kém, sự thăm viếng ấy cũng thưa dần.
Ngày 23-3 sắp tới đây là kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng An Khê. Dự định của chúng tôi là tổ chức một cuộc gặp gỡ số anh chị em đang sinh sống trên địa bàn thị xã, nhưng có vẻ sự ước muốn ấy không dễ được thực hiện bởi tuổi tác đã về chiều, nhiều người đã quá yếu. Như anh Đỏ là một ví dụ. Anh sinh năm 1947, mới ngoài 70 mà trông anh quá gầy gò, ốm yếu. Tôi cũng biết, mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương tái phát, đau nhức về thể xác, ảnh hưởng tới tinh thần nên đôi khi anh nhớ nhớ quên quên. Đã sau 45 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, nhưng hậu quả của chiến tranh để lại vẫn còn hiện hữu trong bao gia đình, trong từng thương-bệnh binh.
Chúng tôi chia tay anh Đỏ khi chiều đã muộn. Sau Tết Nguyên đán đã vài tuần, nhưng hai bên những con đường bê tông phẳng phiu vẫn còn rất nhiều hoa, nhất là hoa vạn thọ. Chúng tôi được biết, sau hơn chục năm đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn, bây giờ, Xuân An đã là xã nông thôn mới. Xuân An hiện có 5 thôn với trên 6.000 dân. Đa số bà con đã định cư ở vùng đất này từ rất lâu đời, gắn bó với ruộng nương, vườn tược. Dù trong 2 cuộc kháng chiến có lúc đạn bom ác liệt, chính quyền cũ dồn dân, lập ấp nhưng bà con vẫn bám làng, bám đất, nhiều người tham gia hoạt động cơ sở ngầm cho các đội công tác địa phương, nhiều gia đình đã động viên con em thoát ly làm cách mạng. Hiện giờ, đa số bà con trong xã đã có cuộc sống khá lên, mấy năm lại đây, thu nhập bình quân đầu người trong xã đã tăng lên trên 31 triệu đồng/năm.
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.