Phố của mỗi người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra và lớn lên ở Pleiku, tôi tin là mình yêu Pleiku hơn những gì có thể diễn đạt bằng lời. Cho dù rất nhiều người đã đến với Pleiku và quay đi với ý nghĩ: nơi đó chẳng có gì hay. Không dễ để yêu Pleiku với thái độ hờ hững, như một người bạn tôi đã từng nói: “Nếu không có nhiều thiết tha thì khó yêu những bình dị của nơi này”.
Giữa tiết hanh hao của những ngày Tết, lần lượt từng người bạn đã rời xa Pleiku trở về. Chúng bạn ấy, có đứa năm nào cũng về vài bận, có đứa vài ba năm mới một lần quay lại, cũng có đứa đã rời đi rất lâu. Nhưng trong lòng mỗi người đều biết rõ, họ luôn có những ấp ủ một hình dáng riêng của chốn quê nhà.
Vì yêu thành phố này, đôi lúc như yêu luôn cả phần người khác, tôi vẫn âm thầm lang thang cùng phố, lang thang để gom lại những gì thân thương nhất trong thẳm sâu  ký ức của tôi, của bạn và của biết bao người. Yêu phố với những con dốc dài tràn sương mờ và nắng sớm. Bạn xa phố lâu rồi, vậy mà khi được hỏi nhớ gì nhất thì bao giờ câu trả lời cũng là những con dốc dài hun hút ấy. Còn gì thú vị hơn khi cùng lũ bạn lâu năm lang thang trên con dốc, tíu tít nói cười trong phấn khích hân hoan.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Phố trong anh bạn đã đi xa rất lâu là những đêm lộng gió mùa hè hay những ngày đông rét mướt xuýt xoa bên ly đậu nành nóng nơi vỉa hè. Cứ ngồi với nhau vậy thôi, ai nói cứ nói, ai cười cứ cười, bạn cứ trầm ngâm thưởng thức. Có lẽ không phải là ly đậu nành, mà bạn đang thưởng thức hương vị của ngày xưa, của những thơ ấu ngọt ngào.
Kỳ lạ thay, phố trong lòng anh tôi là những ngày mưa dầm dề đến thối đất thối trời. Đi xa Pleiku đã lâu, nếu có về thì anh cũng nhất định phải canh đúng mùa mưa mới thỏa. Đất trời cứ phải âm u như thế, ẩm ướt như thế mới là Pleiku của anh. Ngồi với nhỏ em, anh thủ thỉ kể những vui đùa của những ngày thơ bé, mặc kệ những trượt ngã, ẩm ướt và lạnh cóng tay chân.
Với nhiều người bạn, có những cuộc tình trẻ con chóng vánh đã qua rất lâu mà vẫn nhớ mãi không nguôi. Vì sao ư? Chỉ vì đã đi cùng nhau qua phố, dù không hứa hẹn gì. Vậy mà vẫn cứ tha thiết nhớ, nhìn phố là nhớ người xưa đến thẫn thờ.
Hay nhớ phố chỉ bởi những giọt đắng. Bên ly cà phê, những câu chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc, dẫu trời có tắt nắng đi rồi. Họ kể về ngày hoa dã quỳ bừng sáng trên những triền đồi, về từng đàn bướm vàng cứ chấp chới bay trong mùa, về bầu trời Tây Nguyên trong xanh thao thiết. Giá cứ mãi ngồi bên nhau như thế, nghe nắng rực rỡ và gió mát lùa trong lòng tay, nghe hàng thông dài vi vu hát. Để níu giữ cả một vùng thanh xuân của bất cứ ai đã từng sống nơi này.
Phố có tàn phai không? Câu trả lời là có! Mỗi nỗi buồn là một tàn phai. Buồn của những người da diết với phố mà không thể về, hoặc chỉ có thể chóng vánh ghé ngang mà không kịp chạm đến những tâm tư, những yêu thương chất chứa. Buồn của những người cố muốn đi xa phố càng xa càng tốt, chỉ vì muốn quên…
Mỗi sự lãng quên cũng là một tàn phai. Bạn ơi, tớ quên mất tên chị bán bánh mì trước cổng trường mình rồi, quên cả gương mặt nhỏ bạn ngồi bàn bên cạnh, quên tên những con đường mà chúng mình đã từng đi qua, những kỷ niệm đẹp mà chúng ta từng có. Buồn thế! Có ai còn nhớ không, để những tàn phai kia không trượt dài theo phố?
Vậy nên, tôi vẫn âm thầm ngày qua ngày cùng bạn bè gom góp, vun vén ký ức của nhau. Chỉ ngày mai thôi thì phố của tôi và mọi người đã khác rồi. Lúc ấy, biết đâu không còn ai gọi ai nữa!
Phố nuôi dưỡng trong lòng mỗi người những nỗi niềm riêng. Niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi buồn, dường như từ phố mà ra, và cũng từ phố mà mất đi.
THI GIANG

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.